Ưu điểm, kết quả đạt được
Việc triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được UBND tỉnh và các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết và đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản, có hiệu quả hơn so với trước.
Người đứng đầu các ngành, địa phương đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong công tác PCTN, nhất là công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN được quan tâm.
Công tác giám sát, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ đã tập trung trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ phát sinh tham nhũng, do vậy tình hình tiêu cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế.
Công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện vụ việc tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tăng cường.
Hiệu quả xử lý thu hồi tiền, tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng có chuyển biến tích cực hơn trước.
Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như:
Một số ít địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018, kế hoạch công tác PCTN hằng năm còn dàn trải, chưa xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN nhìn chung hiệu quả chưa cao so với yêu cầu, hình thức chưa đa đạng; nguồn lực đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế.
Việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đồng bộ, thường xuyên, quyết liệt, nên vẫn còn xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.
Triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng.
Việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế...
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên là do: Người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về PCTN của cơ quan thanh tra cấp sở và cấp huyện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình thực tiễn do thiếu biên chế chuyên trách. Việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới tuy có quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao so với yêu cầu. Một số quy định mới của Luật PCTN năm 2018 chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng.
Đề xuất, kiến nghị
Từ thực tế thi hành tại địa phương, tỉnh Bình Định kiến nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thuận lợi, thống nhất.
Kiến nghị Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có văn bản quy định, hướng dẫn để bảo đảm thực hiện thống nhất việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước.
Kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện thuận lợi, thống nhất, nhất là hướng dẫn thống nhất các tiêu chí xác định chức danh, chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý tương đương cấp phó trưởng phòng trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong doanh nghiệp Nhà nước theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020; người giữ chức vụ phó trưởng phòng trở lên tại những vị trí công tác có nghĩa vụ kê khai hằng năm...
Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả nhất hiện nay đối với nhân dân. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu phát hành các băng, đĩa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và làm cơ sở cho các đài địa phương tiếp sóng phát lại.
Huyền Anh