Trách nhiệm của người tiếp nhận, xử lý thông tin

Theo Quy định số 1629/QĐ-TU, thành viên Ban Chỉ đạo khi tiếp nhận thông tin phục vụ công tác PCTN, TC có trách nhiệm rà soát ban đầu (nhập sổ văn thư cơ quan; phân loại theo điều kiện xử lý), lập phiếu chuyển đến Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để xử lý theo quy định đối với các đơn đủ điều kiện xử lý và có thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin.

Quy định số 1629/QĐ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Huyền

Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC TP Hồ Chí Minh (Trưởng Ban Nội chính Thành ủy) chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin; phân công đầu mối trực tiếp làm việc với người cung cấp thông tin; đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng vận dụng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo để bảo vệ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết.

Đầu mối làm việc với người cung cấp thông tin chỉ báo cáo trực tiếp với Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy phụ trách (được Trưởng Ban Nội chính Thành ủy phân công) về kết quả làm việc, các nội dung đề xuất thẩm tra, xác minh (nếu có), kết quả xử lý thông tin; đề xuất Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy phụ trách trực tiếp đề nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết.

Quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin không được làm thất lạc, mất, sai lệch hồ sơ, tài liệu, lộ lọt thông tin, phải đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ về hành vi vi phạm của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; không được tiết lộ kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan khi chưa được công khai theo quy định.

Trường hợp không thụ lý thông tin được cung cấp, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thông báo cho người cung cấp thông tin, hoàn trả văn bản, tài liệu có liên quan hoặc thực hiện lưu trữ theo quy định.

Ngoài ra, người tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phục vụ công tác PCTN, TC có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo duyệt chi và thực hiện chi trả tiền mua tin sau khi có kết luận, kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền.

Người cung cấp thông tin có thể được nhận tối đa 10.000.000 đồng/tin (vụ việc)

Theo Quy định số 1629/QĐ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, người cung cấp thông tin trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo PCTN, TC TP, các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp.

Người cung cấp thông tin có thể cung cấp thông tin gián tiếp bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc qua hộp thư điện tử của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC TP Hồ Chí Minh (Ban Nội chính Thành ủy).

Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian.

Yêu cầu về thông tin phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực: Thông tin phải đảm bảo tính xác thực, trọn vẹn, thể hiện được nội dung, tình tiết sự việc, hiện tượng đã xảy ra; tồn tại dưới dạng dữ liệu truyền thống hoặc dữ liệu điện tử có nội dung được thể hiện theo ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng, cụ thể; không qua chỉnh sửa làm thay đổi bản chất sự thật của sự việc, hiện tượng; thông tin có thể kiểm chứng, xác minh được.

Thông tin có nội dung mới, chưa có tổ chức, cá nhân nào cung cấp và chưa được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết; thông tin phản ánh, tố cáo là chứng cứ cho một vụ việc, hành vi vi phạm và phải có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ việc, hành vi vi phạm và có tính hợp pháp.

Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu rõ, tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận không vượt quá mức quy định là 10.000.000 đồng/tin (vụ việc).

Ngoài chi trả tiền mua tin theo quy định, nếu nguồn tin cung cấp có giá trị phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng trong ngăn ngừa thiệt hại hoặc thu hồi tiền, tài sản có giá trị, được cấp có thẩm quyền công nhận, kết luận thì tùy trường hợp cụ thể Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong trường hợp các thông tin cung cấp không dẫn đến việc xử lý tổ chức hoặc cá nhân nhưng có giá trị ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thì Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định chi tiền mua tin ngoài quy định.

Về hồ sơ mua tin, theo quy định, thông tin phục vụ công tác PCTN, TC cùng hồ sơ, tài liệu kèm theo ở dạng dữ liệu truyền thống và dữ liệu điện tử (nếu có); nếu thông tin được cung cấp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc trao đổi trực tiếp bằng hình thức khác, thông tin phản ánh phải được văn bản hóa.

Hồ sơ chi trả tiền mua tin phục vụ công tác PCTN, TC được quản lý, sử dụng, lưu trữ riêng theo chế độ tài liệu “mật”.

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ mua tin là khoản kinh phí đặc thù do ngân sách Nhà nước cân đối hàng nằm trong ngân sách của Thành ủy TP Hồ Chí Minh để cấp cho Ban Chỉ đạo PCTN, TC thành phố thực hiện mua tin phục vụ công tác PCTN, TC.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, TC TP Hồ Chí Minh (Ban Nội chính Thành ủy) chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện; tiếp nhận, tổ chức thẩm định, thực hiện việc mua tin; định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện cho Trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

Thu Huyền