Bà Castro, 62 tuổi, vợ của Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya (2006-2009), người đứng đầu Đảng Libertad y Refundación (Tự do và Tái thiết) theo đường lối cánh tả, nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn rằng, bà sẽ làm việc để hủy bỏ các luật "đã che đậy tham nhũng" trong những năm gần đây.

"Honduras cần trái tim của một người phụ nữ" - người "cảm nhận được nhu cầu của người dân", bà nói.

Bên cạnh vấn đề tham nhũng, những chủ đề khác mà bà Castro đặc biệt quan tâm là di cư và nghèo đói, buôn bán ma túy, những khoản nợ của Honduras...

Trong chiến dịch tranh cử, bà Castro đã cam kết xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ để đưa đất nước vượt qua các thách thức về nghèo đói, bất công, bạo lực, buôn bán ma túy, tham nhũng và chia rẽ xã hội.

Phát biểu với những người ủng hộ, bà Castro đã tuyên bố giành chiến thắng và khẳng định sẽ thành lập một Chính phủ hòa giải dân tộc - một Chính phủ ổn định và công bằng, đồng thời củng cố nền dân chủ trực tiếp bằng cách tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về những vấn đề lớn của đất nước.

Di cư và nghèo đói

Khoảng 60% trong số 10 triệu dân của Honduras sống trong cảnh nghèo đói, và hàng nghìn người, kể từ năm 2018, đã phải di cư về phía Bắc với hy vọng tìm được việc làm ở Mỹ.

“Cam kết của chúng tôi là đảm bảo rằng ở Honduras, người dân trong nước có các điều kiện để sở hữu một cuộc sống đàng hoàng: Giáo dục phổ cập miễn phí cho tất cả trẻ em, thanh thiếu niên và chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí", bà Castro tuyên bố.

Cuộc chiến chống tham nhũng

Năm 2016, sau khi Tổng thống Hernandez thừa nhận chiến dịch tranh cử của ông được tài trợ một phần bằng tiền công, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã cử một phái bộ chống tham nhũng tới Honduras, nhưng tổ chức này đã rời đi vào năm 2020 sau những bất đồng về việc gia hạn nhiệm vụ.

Bà Castro muốn kích hoạt lại sứ mệnh cấp cao, lần này sẽ do Liên hợp quốc đứng đầu và bà cho biết, đã tiếp xúc với các quan chức Liên hợp quốc về việc này.

Theo bà Castro, Chính phủ Honduras sẽ gửi "một đề xuất tới Quốc hội để bãi bỏ các luật đã duy trì chế độ độc tài". Hội đồng Chống tham nhũng của Nhà nước gọi những quy định đó là "luật miễn trừ trừng phạt".

Bên cạnh đó, bà Castro đặc biệt quan tâm đến cái gọi là "luật bí mật", phân loại thông tin về các giao dịch mua sắm của Nhà nước và "thông qua đó, đã che đậy tất cả các vụ tham nhũng". Bà cũng phản đối việc cải cách Bộ luật Hình sự nhằm giảm hình phạt đối với tội rửa tiền.

Mi quan hệ với Mỹ

Washington, vốn có căn cứ quân sự ở Honduras từ những năm 1980, đã kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử hòa bình và minh bạch, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quá trình này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ sự sẵn sàng làm việc với bà Castro, trong khi bà mô tả mối quan hệ song phương là "thân thiết".

“Một trong những vấn đề chính là di cư. Việc bảo vệ nhân quyền, sự an toàn của người di cư, trên hết là trẻ em và gia đình của họ, là điều cơ bản", bà Castro nói.

Chống buôn bán ma túy

Buôn bán ma túy đã lên đến mức báo động cao nhất của đất nước, khi Tony Hernandez, cựu nghị sĩ và là em trai của Tổng thống Honduras đương nhiệm, ngày 30/3 đã bị thẩm phán Mỹ kết án tù chung thân cộng thêm 30 năm vì tội buôn bán ma túy.

Theo công tố viên Mỹ Matthew Laroche: “Đây là hoạt động buôn bán ma túy do Nhà nước bảo trợ và đây chính xác là kiểu hành vi mà Chính phủ nên nhắm mục tiêu, vì tác động của nó đối với Honduras”.

Công tố viên cũng cho rằng, vụ việc của Tony Hernandez có dấu hiệu “tham nhũng nghiêm trọng”. “Ông ta được bảo kê khỏi bị điều tra, bắt giữ và dẫn độ với những khoản hối lộ lớn cho các chính trị gia”.

Cơ quan công tố Mỹ buộc tội Tony Hernandez đã nhận hối lộ hàng triệu USD, bao gồm 1 triệu USD từ trùm ma túy Mexico El Chapo Guzman. Những khoản tiền này được đưa vào quỹ của Đảng Quốc gia cầm quyền cho các cuộc bầu cử năm 2009, 2013 và 2017, để mang lại lợi ích cho anh trai mình - Tổng thống Juan Orlando Hernandez. Tuy nhiên, Tổng thống Hernandez đã bác bỏ các cáo buộc và ông không bị buộc tội.

Bà Xiomara Castro khẳng định: “Chúng ta sẽ đối đầu trực diện với nạn buôn bán ma tuý. Chúng ta sẽ đảm bảo an ninh biên giới, cả trên không và trên biển, không để buôn bán ma tuý và buôn bán vũ khí có thể diễn ra ở đất nước chúng ta".

Kiểm soát các khoản nợ

Với tổng số nợ gần 17 tỷ USD, bao gồm 11 tỷ USD nợ nước ngoài - "một trong những hành động đầu tiên chúng tôi sẽ thực hiện là điều chỉnh lại khoản nợ đó", bà Castro cho biết.

“Chúng tôi sẽ không áp đặt những loại thuế mới, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, nợ và thâm hụt tài khóa có thể gây ra những thách thức lớn đối với Chính phủ mới", bà nói.

Hoài Phương