Vẽ dự án có khối lượng đất thừa như một mỏ đất lớn

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, thị trấn Hà Trung được HĐND huyện Hà Trung phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 13/11/2020; điều chỉnh tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 12/7/2021.

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được Chủ tịch UBND huyện Hà Trung phê duyệt tại Quyết định số 10631/QĐ-UBND ngày 22/11/2021; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình cộng thiết bị dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, thị trấn Hà Trung tại Quyết định số 5518/QĐ-UBND ngày 29/12/2023, thời gian thực hiện năm 2021 - 2024.

Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình được UBND huyện Hà Trung phê duyệt tại Quyết định số 815/QĐ-UBND ngày 14/3/2022.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2143/QĐ-UBND ngày 20/6/2023.

Ngày 28/5/2022, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung có Quyết định số 2035/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình cộng thiết bị dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng VACIC - Công ty Cổ phần Xây dựng MBM Group.

leftcenterrightdel
 Một dự án đang gây xôn xao dư luận vì xin tận thu khối lượng đất tương đương một mỏ đất, không thông qua đấu giá, có nguy cơ gây thất thoát nguồn ngân sách cho Nhà nước. Ảnh: Văn Thanh

Ngày 08/06/2022, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDAĐTXD) huyện Hà Trung đã ký Hợp đồng thi công số 0806/2022/HĐ-XD  với liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng VACIC - Công ty Cổ phần Xây dựng MBM Group để thi công gói thầu này và đã bàn giao mặt bằng khu vực 1 thuộc xã Yến Sơn cho BQLDAĐTXD huyện Hà Trung để triển khai thực hiện dự án, diện tích 53.044,6m2. Theo tổng mặt bằng xây dựng, san nền, tổng khối lượng đất thừa cần vận chuyển tại khu vực 1 là 592.531,92m3, không thể hiện vị trí đổ thải.

Người dân địa phương đánh giá, lâu nay tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt và nghiêm khắc việc quy hoạch, đấu giá cả mỏ đất, đá, cát để tăng thu nguồn ngân sách. Hầu hết các mỏ đều được đấu giá công khai, nhiều mỏ có mức trả giá cấp quyền khai thác vượt gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Trong khi đó, tại huyện Hà Trung chỉ thực hiện một dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị nhưng lại xin “tận thu” đến gần 600.000m3 đất, lớn hơn cả một mỏ đất nhưng không phải thông qua đấu giá là bất thường và liệu có công bằng, khách quan? Do đó, cần làm rõ dấu hiệu của việc thực hiện chưa đúng các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Phòng chống tham nhũng và có hay không “lợi ích nhóm” trong việc xin tận thu gần 600.000m3 đất này?

“Với khối lượng khoáng sản gần 600.000m3 khi bán ra thị trường sẽ thu về một nguồn lợi nhuận khổng lồ, vì nguồn đất đắp ở Thanh Hóa hiện đang rất khan hiếm. Nếu làm dự án mà được “tận thu” như khai thác mỏ, không phải thực hiện các thủ tục quy hoạch, đấu giá thì sẽ dễ dàng kiếm được nhiều tỷ đồng từ việc tận thu này. Làm giàu dễ dàng thư thế này thì doanh nghiệp nào cũng muốn làm”, một người dân ở huyện Hà Trung khẳng định.

 Rồi xin “tận thu” không thông qua đấu giá                                         

Theo điều tra của phóng viên, sau khi trúng thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình cộng thiết bị dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, để thực hiện việc xin phép “tận thu” khối lượng lớn đất thừa nói trên, Công ty Cổ phần Xây dựng VACIC đã ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp đất cho hàng loạt công ty đang thực hiện các dự án giao thông, công trình ở tỉnh Thanh Hóa, khiến nhiều người dân khá bất ngờ.

Kết quả kiểm tra thực tế của các ngành chức năng sau khi Công ty Cổ phần Xây dựng VACIC có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa được tận thu khối lượng đất thừa ở dự án nói trên cho thấy: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn có diện tích 53.044,6m2 thuộc xã Yến Sơn. Nguồn gốc là đất đồi núi chưa sử dụng do UBND xã Yến Sơn quản lý.

Dự án trước đây UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ đất san lấp cho Công ty TNHH Xây dựng Mai Quân theo Giấy phép số 31/GP-UBND ngày 21/01/2015, đã đóng cửa mỏ theo Quyết định số 2824/QĐ-UBND ngày 19/8/2022; cấp phép khai thác mỏ đất san lấp cho Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và Phát triển Mạnh Quang theo Giấy phép số 397/GP-UBND ngày 19/10/2017, đã đóng cửa mỏ theo Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 19/8/2022.

leftcenterrightdel
 Làm dự án mà được tận thu tới gần 600.000m3 đất thì doanh nghiệp nào cũng muốn làm vì sẽ thu lợi rất nhiều tiền từ việc khai thác khoáng sản. Ảnh: Văn Thanh

Sau khi lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định, tổng mặt bằng san nền hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, khu vực 1 có khối lượng đất thừa cần vận chuyển là 592.531,92m3. Do đó, đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Xây dựng VACIC lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép “tận thu” khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án này để cung cấp cho các công trình theo các hợp đồng đã ký kết với thời gian khai thác đến ngày 31/12/2024.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì khi UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT thì gần 600.000m3 đất sẽ được lấy đi vì có “bùa hộ mệnh” là “giấy phép tận thu”, có dấu hiệu thất thu nguồn ngân sách của Nhà nước vì không thông qua đấu giá.

Phóng viên Báo Thanh tra đã thị sát địa bàn chứng kiến khu vực làm dự án hiện có một số ngọn núi được khai thác nham nhở, gần khu dân cư, trường học đang xây dựng. Theo người dân thì khu vực thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bình Sơn, khu vực 1 thuộc địa bàn các xã Yến Sơn, thị trấn Hà Trung và xã Hà Bình. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với các lãnh đạo địa phương này thì đều nhận được sự “đùn đẩy” và trả lời khu vực núi xin “tận thu” đất không nằm ở địa phương mình quản lý!

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh