Cả trăm học viên ăn, ở

Theo phản ánh của người dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh; trụ sở Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) được đầu tư xây dựng quy mô trên địa bàn bỗng chốc biến thành “Trung tâm Đào tạo xuất khẩu lao động”. Cả một cơ ngơi hoành tráng không hề thấy đào tạo nghề cho nông dân mà biến thành nơi hoạt động của “Tập đoàn Thế Thony” và cũng là nơi ăn, nghỉ của cả trăm con người, dù đây là trụ sở công.

Qua ghi nhận của phóng viên, bên ngoài cổng của Trung tâm là 2 tấm panô với dòng chữ in lớn: “Tập đoàn Thế Thony”. Phía dưới là logo, tên của các công ty, đơn vị khác và có cả logo của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị.

Đồng thời, tấm panô quảng cáo với các dòng chữ: Đào tạo du học Nhật Bản - Hàn Quốc; Xuất khẩu lao động Nhật Bản - Đài Loan - Hàn Quốc - Singapore và các nước Châu Âu; phỏng vấn - khám sức khỏe - hồ sơ - đào tạo tiếng tại Quảng Trị đến lúc bay.

Ngoài địa chỉ còn kèm thêm các số điện thoại: 0981.415.444 và 0888.559.369.

leftcenterrightdel
 Tờ rơi của Tập đoàn Thế Thony. Ảnh: Minh Tân

Chúng tôi nhanh chóng được một người phụ nữ tên H. tiếp cận và giới thiệu về các hoạt động của đơn vị.

Trong vai tìm hiểu cho người thân đi XKLĐ, tôi được người phụ nữ này nói: “Nếu đi Nhật Bản thì từ 80-170 triệu đồng, ăn học tại trung tâm trọn gói với thời gian từ 4-6 tháng. Hiện, Trung tâm đang có các đơn hàng đóng gói mỹ phẩm, sẽ phỏng vấn trong thời gian tới và trung tâm hỗ trợ phỏng vấn đậu hết”.

Tuy nhiên, thấy chúng tôi nhìn xung quanh khi tấm pano treo trên bức tường với nhiều đơn vị cũng như băn khoăn không biết là đơn vị nào trực tiếp phỏng vấn, đào tạo, người phụ nữ tên H. này liên tục “trấn an”: “Đây là Trung tâm Hỗ trợ nghề của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, kênh của Nhà nước duy nhất, mình trực thuộc Hội Nông dân”.

Khi chúng tôi băn khoăn hỏi lại thì người phụ nữ tên H. quả quyết: “Tập đoàn Việt Trí trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, anh yên tâm ăn, ở tại Trung tâm này trọn gói”.

leftcenterrightdel
 Căn phòng của Trung tâm biến thành căn-tin. Ảnh: Minh Tân

Sau nhiều câu hỏi về việc đào tạo nghề, XKLĐ, người phụ nữ này dẫn chúng tôi lên gặp một người đàn ông tên V. mà người này gọi là “sếp”. Vừa đi người phụ nữ này vừa giới thiệu, căn phòng phía bên ngoài là căn-tin, tầng 4 là kí túc xá, thậm chí người này còn khoe có 1 bộ đội, 1 công an bảo vệ, quản lý tại khu vực kí túc xá.

Giữa “ma trận” tên của các công ty hay cả việc trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cũng không thể xác định được đơn vị nào được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để tiếp tục trấn an chúng tôi, vị phó giám đốc này tiếp tục giới thiệu “thân thế” của người phụ nữ tên H. đều là những người công chức Nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục giới thiệu nơi đây có vài chục nhân viên, thầy cô dạy du học về đây dạy và hiện có khoảng 100 học viên đang được đào tạo nghề XKLĐ, du học tại đây.

Tự ý cho sử dụng tài sản công

Tạo được sự tin tưởng từ chúng tôi, người phụ nữ tiếp tục đưa chúng tôi tờ rơi giới thiệu về hoạt động của Tập đoàn Thế Thony cùng logo của một số công ty, đơn vị khác quảng cáo về việc: Xuất khẩu lao động - Du học Quảng Trị.

Ngay trên chính tờ rơi này, trụ sở Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp được “biến” thành Trung tâm Đào tạo của Tập đoàn Thế Thony với lời quảng cáo “Trung tâm với quy mô rộng lớn, đầy đủ tiện nghi, nhà ăn, kí túc xá để phục vụ nhu cầu ăn học cho học viên”.

Không chỉ vậy, trên các trang mạng xã hội cũng đầy rẫy những hình ảnh, lời quảng cáo về việc đào tạo nghề XKLĐ tại đây. Điều đáng nói, nhiều tấm pano đều được lồng thêm logo của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị và các logo của các đơn vị, công ty khác nhau.

Việc quảng cáo tuyển dụng đều đăng tải với số điện thoại 0981.415.444 và đây cũng là số điện thoại của ông Nguyễn Thế, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Thế Thony (địa chỉ phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Dù vậy, sau khi phóng viên tìm hiểu, làm việc với các ngành chức năng thì toàn bộ các thông tin quảng cáo, giới thiệu tuyển học viên đã biến mất hoàn toàn trên các trang mạng xã hội.

leftcenterrightdel
 Trụ sở công được Hội Nông dân cho "Tập đoàn Thế Thony" sử dụng trái phép. Ảnh: Facebook

Qua trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị thừa nhận: Chỗ Thế lâu nay nó hợp tác với mình, mình giới thiệu đến các mạng lưới cơ sở con em ở nông thôn để đào tạo XKLĐ, số lượng cũng được ít.

Đồng thời, ông Bến cho rằng: Từ năm 2022 trở về trước, khi Trung tâm thuộc Trung ương là nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm vừa rồi trụ sở Trung tâm được giao về Hội Nông dân tỉnh quản lý và Hội đang xây dựng đề án nhằm sử dụng tài sản công.

Dù chưa được UBND tỉnh xem xét, quyết định, nhưng Hội Nông dân đã cho “Tập đoàn Thế Thony” sử dụng trong suốt thời gian dài, và với những gì mà “tập đoàn” này đang giới thiệu khiến người khác hiểu nhầm đây là trụ sở của “tập đoàn”.

“Họ thuê hay mướn thì chưa, thực ra có phối hợp, trước hỗ trợ 100 triệu/năm để lo thế này, thế kia, còn khi bàn giao cho tỉnh thì không có đồng nào hết. Mình thu là mình sai, cái này là hỗ trợ, giúp đỡ nhau gì đó”, ông Bến nói.

Khi phóng viên đề cập đến việc giấy phép hoạt động cũng như các thỏa thuận, ký kết hợp tác, sử dụng trụ sở Trung tâm giữa Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị và các đơn vị tại Trung tâm, ông Bến lắc đầu thừa nhận không có.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc trên.

Minh Tân