Thiếu sót nghiêm trọng của chủ đầu tư và cơ quan thẩm định, phê duyệt

Ngày 6/5/2007, UBND tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Thuỷ điện La Trọng, nhưng đến ngày 30/5/2007 báo cáo ĐTM mới được ban hành và bắt đầu có hiệu lực. Điều này có nghĩa là đã khởi công trước khi báo cáo ĐTM được chính thức phê duyệt và công bố.

Năm 2007, quá trình thẩm định và phê duyệt đã không theo quy trình chặt chẽ. Cụ thể: Hồ sơ ĐTM còn chưa có thiết kế kỹ thuật hạng mục đường dây tải điện, là một hạng mục không thể thiếu của dự án thuỷ điện vừa và nhỏ mà cơ quan thẩm định vẫn chấp nhận phê duyệt báo cáo ĐTM và ban hành quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM chính thức theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình tại Quyết định 1144/QĐ-UBND ngày 30/5/2007. Điều này có nghĩa là tác động môi trường tiềm năng của hạng mục đường dây tải điện của dự án đã bị bỏ qua ngay từ đầu và đương nhiên là không có quá trình tham vấn cộng đồng các chủ rừng nơi tuyến đường dây tải điện chạy qua. Trong khi đó, báo cáo ĐTM được phê duyệt chỉ thực hiện tham vấn cộng đồng tại xã Trọng Hóa.

Năm 2009, dự án đã không hoàn thành theo đúng tiến độ. Chủ đầu tư xin thay đổi thiết kế tăng công suất từ 18 lên 22 MW, thời gian triển khai từ 2009 - 2011. Chủ dự án phải lập báo báo đánh giá tác động môi trường bổ sung và báo cáo ĐTM bổ sung đã được phê duyệt tại QĐ 1807/QĐ-UBND ngày 29/7/2010. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM bổ sung cũng chưa có thiết kế kỹ thuật hạng mục đường dây tải điện, có nghĩa là quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM bổ sung lại lặp lại thiếu sót như đã phân tích ở trên.

Hồ sơ báo cáo ĐTM dự án Thuỷ điện La Trọng mặc dù đã được phê duyệt năm 2007 và báo cáo ĐTM bổ sung được phê duyệt năm 2010 khi còn thiếu thiết kế kỹ thuật hạng mục đường dây tải điện từ nhà máy đến trạm đấu nối vào lưới điện quốc gia và không thực hiện đánh giá tác động đến môi trường của hạng mục này là một thiếu sót nghiêm trọng của chủ đầu tư và cơ quan thẩm định và phê duyệt.

Việc tách rời hạng mục đường dây tải điện từ Thuỷ điện La Trọng đến điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia tại Đồng Lê thành dự án độc lập vào năm 2019 và dự án này không phải thực hiện ĐTM như lời Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình Phan Xuân Hào là một thiếu sót nghiêm trọng khác.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Văn Sỹ - chuyên gia độc lập đánh giá ĐTM trao đổi với PV Báo Thanh tra. Ảnh: TT

Với tư cách là chuyên gia ĐTM các dự án thuỷ điện, TS Nguyễn Văn Sỹ khẳng định rằng, hồ sơ ĐTM thiếu nhiều nội dung quan trọng và nhiều nội dung đã đề cập trong báo cáo chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chính xác.

“Do dự án chậm tiến độ kéo dài và do có sự thay đổi của dự án và của các quy định pháp lý trong quá trình thực hiện từ 2007 đến nay (tháng 10/2023) nên việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện (nếu có) liên quan đến ĐTM phát sinh từ sau khi có Nghị định  40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/5/2019 nếu không được giải quyết thỏa đáng ở tỉnh Quảng Bình thì cần có ý kiến trực tiếp hoặc ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường vì Dự án Thuỷ điện La Trọng có công suất lắp máy 22 MW là đối tượng thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ”, TS Nguyễn Văn Sỹ kiến nghị.

Sai phạm lớn, là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại kéo dài

Ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết, đã cùng các nhà nghiên cứu chuyên ngành khác và một số tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu về hiện trạng môi trường và tiến độ hoàn thành khu vực đập tràn, Nhà máy Thuỷ điện La Trọng. Do đó, với tư cách là chuyên gia ĐTM, ông Nguyễn Văn Sỹ đã có phân tích và đánh giá về một số thiếu sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện ĐTM Dự án Thuỷ điện La Trọng.

Theo phát biểu của ông Phan Xuân Hào - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, hạng mục đường dây tải điện được trình thẩm định và phê duyệt như một dự án độc lập và dự án này không thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM theo NĐ 40/2019/NĐ-CP nên Sở không được mời tham gia trong quá trình thẩm định và không có hồ sơ. Tất cả hồ sơ của “dự án độc lập” này do Sở Công thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình quản lý.

leftcenterrightdel
Thuỷ điện La Trọng được xây dựng trên sông Rào Nậy, thượng nguồn sông Gianh thuộc địa bàn xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình. Ảnh: XT

Chuyên gia ĐTM Nguyễn Văn Sỹ phân tích: Nếu ý kiến của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường được khẳng định thì có 2 khả năng xảy ra.

Thứ nhất, nếu đó là đúng thì việc tự ý phân tách hạng mục đường dây tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia ra khỏi dự án thuỷ điện vừa để sau đó coi dự án này là dự án xây dựng đường dây chuyển tải điện là hoàn toàn sai luật.

“Có thể khẳng định 100% các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở Việt Nam sẽ không có nhà máy nào có đường dây tải điện 500 kV hoặc 220 kV và có chiều dài trên 100 km là đối tượng phải thực hiện ĐTM cả. Tôi khẳng định rằng, hạng mục đường dây tải điện từ nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (công suất lắp máy <30 MW) đến điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia là hạng mục không thể thiếu và không thể tách rời khỏi dự án và đây là đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi thẩm định và phê duyệt ĐTM của dự án. Việc tự ý tách hạng mục của một dự án thành dự án độc lập để tránh phải thực hiện ĐTM là một sự vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường", TS Nguyễn Văn Sỹ cho biết.

Thứ hai, nếu thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước là sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường đã không thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh khi phê duyệt báo cáo ĐTM.

“Thông tin từ Phó Giám đốc Sở cho dù thuộc khả năng nào thì báo cáo ĐTM của dự án cũng đã không thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường của hạng mục đường dây tải điện nên không có quá trình tham vấn cộng đồng, trong khi đây là hạng mục tiềm ẩn nhiều tác động môi trường xấu, đặc biệt là những dự án thuỷ điện có đường dây đi qua đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… hoặc rừng có các giá trị sinh thái hoặc giá trị phục vụ làm mô hình trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Nếu để điều này xảy ra sẽ dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện lâu dài nếu không được giải quyết thỏa đáng”, ông Sỹ dẫn chứng.

Chuyên gia ĐTM còn nhìn nhận, việc giải thích của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Bình cho rằng việc tách riêng đường dây là dễ hiểu do Dự án Xây dựng Thuỷ điện La Trọng là đã được phê duyệt báo cáo ĐTM năm 2007 nên không thể xem xét độc lập với thủ tục đã được phê duyệt năm 2007. Đây là một sự giải thích sai theo hướng bao biện cho những thiếu sót của chủ đầu tư và cơ quan thẩm định và phê duyệt.

“Việc dự án không có thiết kế kỹ thuật tuyến đường dây tải điện trong hồ sơ phê duyệt ban đầu và trong hồ sơ điều chỉnh bổ sung và chậm tiến độ đến năm 2019 mới triển khai hạng mục này chính là sự sai phạm lớn và là nguyên nhân dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện hiện nay và có thể còn kéo dài”, ông Sỹ nói.

leftcenterrightdel
Dự án Thuỷ điện La Trọng được khởi công xây dựng tháng 5/2007 đến nay hơn 16 năm chưa hoàn thành, đưa vào vận hành. Ảnh: VT 

“Các cơ sở pháp lý chính có hiệu lực tại thời điểm lập và phê duyệt báo cáo ĐTM Thuỷ điện La Trọng là Luật Bảo vệ môi trường 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006), Nghị định 80/2006/NĐ-CP và Thông tư 08/2006/TT-BTNMT.

Vì đến năm 2019 hạng mục xây dựng đường dây tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối tại Đồng Lê mới được triển khai nên cơ sở pháp lý chính để đánh giá ĐTM của dự án cần bổ sung thêm là Luật Bảo vệ môi trường 2014 (23/6/2014), Nghị định 40/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 13/5/2019) cùng các phụ lục kèm theo nghị định này và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019.

Do hạng mục đường dây tải điện của dự án tác động trực tiếp đến đất rừng và các chủ rừng nên cơ sở pháp lý cần bổ sung là Luật Lâm nghiệp số 16/QH14 ngày 15/11/2017”, TS Nguyễn Văn Sỹ cho biết .


Xuân Thống - Văn Thanh