Hoàn công theo thiết kế, không đúng với thực tế thi công

Ngày 22/10/2021, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp tỉnh (Ban Quản lý) và các đơn vị có liên quan tiếp tục tiến hành kiểm tra công trình.

Ngày 1/11/2021, Ban Quản lý đã có báo cáo gửi Sở GTVT về kết quả thực hiện, giải trình và đề xuất phương án khắc phục các tồn tại còn lại của công trình cầu Nguyễn Thái Học.

Theo báo cáo này, buổi kiểm tra công trình vào ngày 22/10/2021 đã chỉ ra hàng loạt vấn đề. Cụ thể: Tại dầm dọc D3, thiết kế là chế tạo từ thép tấm liền khối, hàn một đường hàn dọc theo chiều dài dầm. Thực tế thi công lại chế từ thép tấm bị cát không liền khối, hàn nhiều đường hàn trên thân dầm. Hoàn công theo thiết kế không đúng thực tế.

Tại dầm ngang, thiết kế là liên kết toàn bộ chi tiết bản cánh và bản bụng dầm ngang là đường hàn trong xưởng. Thi công sai thiết kế thể hiện ở liên kết hàn bản cánh và bản bụng dầm ngang chia làm 2 giai đoạn: Nhà xưởng và hàn ngoài công trường; kích thước bản cánh biên dầm ngang, liên kết dầm ngang và dầm dọc biên, thi công với kích thước không đúng và nhỏ hơn thiết kế; hiện trạng chi tiết bản cánh thi công sai thiết kế bị hở đường hàn. Hoàn công theo thiết kế (hàn trong xưởng toàn bộ chiều dài đường hàn dầm ngang) không đúng thực tế.

Về khoảng cách giữa các dầm I đỡ hệ khung xương mặt cầu, theo thiết kế thì khoảng cách 350mm, (riêng hạng mục này tại vị trí dầm biên, theo thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ chi tiết là liên kết bu lông). Thi công không đúng khoảng cách 700mm và thi công liên kết hàn không đúng thiết kế và thiết kế cơ sở là liên kết bằng bu lông. Hoàn công theo thiết kế (khoảng cách 350mm), không đúng thực tế thi công (khoảng cách 700mm).

Về mối nối dầm I đỡ hệ khung xương mặt cầu, thiết kế: Không thiết kế mối nối nhưng đã thi công (mối nối hàn đối đầu, chèn thép trong giữa mối nối, theo thiết kế mối nối phù hợp với TCVN 10309:2014). Biên bản nghiệm thu hoàn thành bộ phận dầm I 150x75 ngày 27/2/2021 trước thời điểm hoàn thành hạng mục này ghi trong nhật ký thi công là ngày 2/3/2021. Tư vấn giám sát thi công ký khống nhật ký thi công (bản ký không ghi nội dung ngày tháng).

Tại hệ khung xương (liên kết thanh thép hệ khung dướng với dầm I150 đỡ hệ khung xương), biên bản nghiệm thu có khối lượng “giằng thép liên kết đinh tán” = 9,5 tấn có giá trị theo hợp đồng là 101,6 triệu đồng. Kết quả kiểm tra khối lượng này không có nhưng bản vẽ hoàn công có khối lượng giằng liên kết này.

Ở hạng mục cầu người khuyết tật và cầu thang, đối với liên kết dầm dọc cầu người khuyết tật, thiết kế là bản táp liên kết bu lông, liên kết hàn theo TCVN10309, nhưng thi công là bản táp liên kết hàn, đường hàn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật TCVN10309. Đối với liên kết thép bậc cầu thang và dầm biên cầu người khuyết tật, thiết kế là liên kết hàn nhưng thi công thì không thi công liên kết này. Hoàn công theo thiết kế, không đúng thực tế thi công.

Cùng với đó, ở hạng mục sàn mặt cầu được xác định hoàn công vít inox theo thiết kế không đúng thi công; ống co giãn nhiệt cáp chịu lực cầu chính, hoàn công theo thiết kế, không đúng thực tế thi công.

leftcenterrightdel
Nhiều hạng mục của cầu bộ hành Nguyễn Thái Học được hoàn công theo thiết kế, không đúng với thực tế thi công. Ảnh: A.X 

Hoàn công theo thực tế thi công, không đúng với thiết kế

Tại hạng mục thanh chịu lực hệ khung xương mặt cầu, theo thiết kế thì được ghép từ 2 thanh là thép hộp 60x60 dày 2mm và thép U 750x40 dày 5mm, tổng chiều dày 2 thanh ghép là 7mm. Thi công chỉ 1 thanh thép hộp 60x60 dày chỉ 1,5mm. Hoàn công theo thực tế thi công, không đúng thiết kế.

Tại hạng mục hệ khung xương, liên kết giữa các thép khung xương với nhau (thép hộp 60x60x1,5mm), thiết kế Sở GTVT phê duyệt không sử dụng liên kết đã thi công (liên kết hàn từ thép cơ bản có chiều dày 1,5mm). Do liên kết này không phù hợp với quy định tiêu chuẩn hàn cầu thép mục TCVN 10309. Thi công: liên kết hàn từ thép cơ bản là thép hộp dày 1,5mm. Hoàn công là theo thi công, không đúng thiết kế.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa 2 mép thép khung xương, theo thiết kế khoảng cách là 250mm nhưng thi công thì khoảng cách 380mm. Hoàn công theo thi công, không đúng thiết kế.

Đối với thép hộp khung xương 60x30x1,5mm, theo thiết kế thì phương án thiết kế không sử dụng loại thép này. Theo thiết kế thì được ghép từ 2 thanh là thép hộp 60x60 dày 2mm và thép U 750x40 dày 5mm, tổng chiều dày 2 thanh thép ghép là 7mm. Về thi công, do thi công sai thiết kế về khoảng khoảng cách dẫn đến kết cấu đã thi công không đảm bảo chịu lực, Ban Quản lý phát sinh thêm hạng mục này, thêm thép 60x30x1,5mm giữa 2 thép 60x60x1,5mm, giảm khoảng cách bước nhịp đã thi công sai thiết kế. Hoàn công theo thi công, không đúng thiết kế.

Ngoài ra, ở hạng mục mái che (liên kết chân cột mái che), theo thiết kế thì liên kết chân cột mái che với dầm ngang, thông qua hệ khung dầm I150. Thi công thì lại là liên kết chân cột mái che trực tiếp hệ dầm I150, không đúng thiết kế. Hoàn công không đúng thực tế thi công.

Ở hạng mục màng sơn cầu, đối với dầm dọc chính và thép hệ mặt cầu, theo thiết kế, màng sơn có thời gian sử dụng 25 năm, nhưng thi công thì đến thời điểm kiểm tra là vài tháng sau thi công, màng sơn dầm dọc bị rạn nứt (1 vị trí), bong tróc, đóng rong. Màng sơn thép hệ mặt cầu rỉ sét. Hoàn công theo thiết kế, không đúng thiết kế đã thi công; đối với màng sơn khung thép mái che, lan can, dầm ngang, theo thiết kế là thép mạ kẽm và sơn thêm lớp phủ, không rỉ sét trong thời gian bảo hành của màng sơn là 25 năm, nhưng thi công thì sau thời điểm nghiệm thu vài tháng đã xuất hiện rỉ sét…

leftcenterrightdel
 Ngày 27/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang đã có quyết định trưng cầu giám định đối với công trình cầu bộ hành Nguyễn Thái Học. Ảnh: A.X

Đề nghị thuê tư vấn độc lập kiểm định toàn diện

Ngày 5/11/2021, liên quan tới những vấn đề nêu trên, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Ban Quản lý rà soát về trình tự thủ tục thực hiện giải quyết phát sinh trong quá trình thi công đối với hạng mục cầu bộ hành Nguyễn Thái Học. Trong đó, lưu ý làm rõ việc xử lý phát sinh có đảm bảo theo quy định hay không, có làm thay đổi hồ sơ thiết kế cơ sở hay không, cần thiết có thể đề xuất mời tư vấn độc lập để kiểm tra, đánh giá…

Ngày 29/11/2021, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh. Sở Xây dựng cho rằng, do trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xử lý kỹ thuật, thi công hạng mục công trình khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng chuyên ngành giao thông (Sở GTVT) có ý kiến trước khi thực hiện theo quy định… Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị cần thiết thuê tư vấn độc lập kiểm định toàn diện để đánh giá thiết kế, thi công công trình hạng mục cầu bộ hành có đảm bảo chất lượng theo quy định hay không.

Ngày 27/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang đã có quyết định trưng cầu giám định đối với công trình cầu bộ hành Nguyễn Thái Học. Đơn vị được trưng cầu giám định là Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam…

Theo nguồn tin của PV Báo Thanh tra, nội dung yêu cầu giám định là giám định đánh giá chất lượng công trình theo hồ sơ thiết được Sở GTVT phê duyệt; xác định giá trị thiệt hại do việc thi công sai thiết kế, giảm chất lượng… Nhiều nội dung trong biên bản kiểm tra công trình vào ngày 22/10/2021 nêu ở trên cũng được đưa vào nội dung để tiến hành giám định…

Liên quan tới công tác giám định tại hiện trường cầu bộ hành Nguyễn Thái Học, ngày 29/3/2023, Công an tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Long Xuyên hỗ trợ, huy động 400 người để phục vụ cho việc giám định vào ngày 5/4/2023. Vụ việc sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo dừng việc huy động 400 người tham gia giám định cầu bộ hành Nguyễn Thái Học. Sau đó, Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam đã chọn phương án sử dụng nước thử tải tĩnh cầu bộ hành thay thế phương án huy động 400 người trước đó.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn