5. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận thì lập biên bản và thực hiện như sau:

a) Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc; tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường; thực hiện các biện pháp cấp bách theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài, nếu xét thấy cần trực tiếp giải quyết thì giải quyết theo thẩm quyền và báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc. Tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường, thực hiện các biện pháp cấp bách theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

c) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài không thuộc điểm b khoản này thì báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan và Thông tư này.

d) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực tiếp giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh có trách nhiệm cử người xuống hiện trường, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện để thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, phối hợp thực hiện theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

đ) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này thì báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền; chuyển ngay thông tin, tài liệu nhận được cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

6. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiếp nhận ban đầu hoặc tiếp nhận thông tin từ các cơ quan khác chuyển đến thì lập biên bản và thực hiện như sau:

a) Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường; thực hiện các biện pháp cấp bách theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm xảy ra trên địa bàn của mình do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh trực tiếp giải quyết thì tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường; thực hiện các biện pháp cấp bách quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư này và các biện pháp khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh đến hiện trường thì trao đổi, báo cáo thông tin, tình hình, các biện pháp đã thực hiện; phối hợp, thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.

c) Trường hợp vụ việc xảy ra trên địa bàn nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) thì báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức lực lượng xuống ngay hiện trường; thực hiện các biện pháp cấp bách quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư này và các biện pháp khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền đến hiện trường thì trao đổi thông tin, tình hình, các biện pháp đã thực hiện cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; phối hợp với Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

d) Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này thì thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và chuyển ngay tài liệu, đồ vật cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết để giải quyết.

7. Sau khi tiến hành các biện pháp cấp bách và các biện pháp khác, nếu đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục điều tra vụ án hình sự theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

(Còn nữa)

Hồng Việt