Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguồn tin về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Tin báo, tố giác của bị hại hoặc người thân thích của họ về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.

2. Tin báo, tố giác của người biết việc về hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.

3. Văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tin báo của cơ quan y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, du lịch, tổ chức đoàn thể và cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi.

4. Tin báo về tội phạm từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111); tin báo được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet.

5. Thông qua công tác nghiệp vụ, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.

6. Người phạm tội tự thú.

Điều 5. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi

1. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền, lấy lời khai ban đầu và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

3. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản tiếp nhận, phân loại và thực hiện như sau:

a) Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật có liên quan và Thông tư này.

b) Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định không thuộc thẩm quyền.

4. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiếp nhận ban đầu hoặc do các cơ quan khác chuyển đến tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi thì lập biên bản, phân loại và thực hiện như sau:

a) Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật có liên quan và Thông tư này.

b) Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định không thuộc thẩm quyền.

5. Đối với tin báo về tội phạm được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết. Trường hợp chưa xác định được nơi xảy ra vụ việc hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà tin báo về tội phạm phản ánh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi có trụ sở chính của phương tiện thông tin đại chúng (nơi có địa chỉ rõ ràng) có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ban đầu.

(Còn nữa)

Hồng Vân