Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ (GTĐB). Theo dự thảo, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với GTĐB mà còn cho các dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định...

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để triển khai Luật Đường bộ, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành Nghị định về thanh toán điện tử GTĐB gồm 6 chương, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.

Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, ông Toàn cho biết, Bộ GTVT sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ GTVT quản lý.

Đối với lĩnh vực Bộ GTVT quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay. Trong đó, tài khoản thu phí bằng tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB sẽ bao gồm: Thông tin tài khoản giao thông và thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB.

Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số tài khoản giao thông, ngày mở tài khoản giao thông; thông tin chủ tài khoản giao thông (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; thông tin thẻ đầu cuối; thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB gồm: Thông tin đơn vị tham gia giao dịch; thông tin thanh toán tiền sử dụng đường bộ; thông tin thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác; thông tin thanh toán (mã bản tin thanh toán; số tiền thanh toán; phương tiện thanh toán; ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây thực hiện thanh toán thành công).

Theo Dự thảo Nghị định, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc.

leftcenterrightdel
 Trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông. Ảnh: TQ

Và người cung cấp dịch vụ thanh toán GTĐB có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông, kết nối, xác định chi phí, thực hiện thanh toán về phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm,…

Người cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có nhiệm vụ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối…

Về lộ trình triển khai, ông Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Người cung cấp dịch vụ thanh toán GTĐB và người cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin qua tài khoản giao thông.

“Và từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB”, ông Toàn cho biết.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều đánh giá cao tính tích hợp của hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB, khi chính thức đi vào vận hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tài khoản, người tham gia giao thông trên mọi phương diện.

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chúng ta đang số hóa dịch vụ toàn diện và cao độ. Việc chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB từ ngày 1/7/2026 là xu thế tất yếu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cùng chung tay xây dựng một hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ thanh toán, NAPAS cho biết, trên thế giới có hai xu hướng: Thu phí giao thông theo cơ chế độc lập (closed-loop) và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông (account - based/open-loop).

Trong đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro. Song, trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông.

Một số đại biểu cho rằng, để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử GTĐB được thông suốt, an toàn các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng “trục trặc” khi đưa hệ thống vào vận hành.

Trần Quý