Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022 quy định chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra và kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật.

Điều 49 Luật Thanh tra năm 2022 quy định hình thức công khai kết luận thanh tra. Theo đó, việc đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau:

Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 2 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Trả lời PV Báo Thanh tra về việc các cơ quan thanh tra, cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính có thực hiện đúng Luật Thanh tra năm 2022? Ông Lê Viết Thắng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã nghiên túc thực hiện công bố kết luận thanh tra theo Điều 79 và Điều 49 Luật Thanh tra năm 2022.

Đối với các cơ quan thanh tra (Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành, theo ông Thắng, Thanh tra Bộ sẽ đưa vào kế hoạch kiểm tra trong năm 2025 đối với nội dung tuân thủ pháp luật trong công bố kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
 Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí tham dự buổi họp báo. Ảnh: TQ

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu Thanh tra Bộ ngoài công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải kiển tra các cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành trong thực hiện tuân thủ quy định pháp luật nói chung và việc công bố kết luận thanh tra theo Điều 79 và Điều 49 Luật Thanh tra năm 2022 nói riêng để báo cáo lãnh đạo bộ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng yêu cầu các cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có việc công bố kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra 2022.

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng phản ánh, một số cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính không công bố kết luận thanh tra theo Điều 79 và Điều 49 của Luật Thanh tra năm 2022, trong đó có Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03, cơ quan thanh tra thuộc Bộ Tài chính gồm: Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp Tổng cục thuộc Bộ Tài chính gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp cục thuộc tổng cục gồm: Cục Hải quan; Cục Thuế; Cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước tỉnh và cấp chi cục được giao theo luật chuyên ngành.

Trần Quý