9 tháng đầu năm, thanh tra hành chính đã thực hiện 45 cuộc. Trong đó, số cuộc triển khai từ các kỳ trước chuyển sang 11; số cuộc triển khai trong kỳ 34; số cuộc theo kế hoạch 40. Tổng số cuộc thanh tra đã ban hành kết luận 33. Qua thanh tra phát hiện sai phạm 8.515,1 triệu đồng; thu hồi về ngân sách Nhà nước 8.471,8 triệu đồng, kiến nghị khác 43,3 triệu đồng. Đồng thời, kiến nghị xử lý hành chính 29 tổ chức, 91 cá nhân, cho đến ngày báo cáo, đã thu hồi số tiền 4.099,3 triệu đồng.
Trong công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tỉnh đã triển khai thanh tra 17 cuộc với 17 đơn vị. Đã ban hành kết luận 13 cuộc, kiến nghị kiểm điểm đối với 6 tập thể và 27 cá nhân.
|
|
Một dự án bị thu hồi hơn 6 tỷ đồng qua thanh tra. Ảnh: LHC |
Về thanh tra chuyên ngành, Thanh tra tỉnh đã thực hiện 171 cuộc (155 cuộc theo kế hoạch, 16 cuộc đột xuất). Số tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra 1.358, trong đó 498 tổ chức, 860 cá nhân.
Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu: Thanh tra hoạt động xây dựng các công trình dự án; thanh tra công tác quản lý tài chính, sử dụng các nguồn vốn, đầu tư mua sắm tài sản, các quỹ và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước; kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa; kiểm tra về đo lường, nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ đối với các cơ sở kinh doanh hàng bách hóa tổng hợp tại các siêu thị, chợ; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết Giáp Thìn 2024; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực giống thủy sản, thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiểm tra về an toàn thực phẩm trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm; kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh...
Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành 202 (50 tổ chức, 152 cá nhân); số tiền xử phạt vi phạm hành chính 7.447,3 triệu đồng (tổ chức 4.425,5 triệu đồng, cá nhân 3.021,8 triệu đồng); chuyển cơ quan điều tra xử lý 4 vụ, 4 đối tượng. Cho đến nay, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu hơn 1.780 triệu đồng.
Nhìn chung, việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của ngành đã bám sát những vấn đề nổi cộm trên tất cả các lĩnh vực. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh tra; đồng thời kết quả thanh tra, kiểm tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Ngành Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Thanh tra và đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra có nơi chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách Nhà nước, còn thiếu các biện pháp hữu hiệu, các chế tài cụ thể để buộc các đối tượng phải thực hiện.
Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian, báo cáo kết quả thanh tra và ban hành các kết luận còn chậm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác báo cáo, báo cáo không đúng yêu cầu, do đó việc tổng hợp báo cáo còn gặp nhiều khó khăn, số liệu đôi khi chưa đầy đủ, đánh giá chưa toàn diện. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nhận thức chưa đúng về công tác thanh tra, kiểm tra nên quá trình thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra chưa nghiêm túc.
Để giải quyết một số vướng mắc, Thanh tra tỉnh Quảng Bình kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần bổ sung quy định mang tính phân biệt giữa hoạt động thanh tra chuyên ngành và hoạt động kiểm tra mang tính quản lý Nhà nước để hướng dẫn chuyên môn, chấp hành pháp luật của cơ quan thuộc quản lý Nhà nước.
Cần quy định rõ trường hợp chánh thanh tra sở, chánh thanh tra huyện muốn lập một đoàn thanh tra liên ngành thì cần tiến hành như thế nào? Ngoài ra, theo quy định thì người ra quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra là hai chủ thể khác nhau không phù hợp tại một số sở, biên chế công chức thanh tra còn ít, không đủ số lượng để tiến hành một cuộc thanh tra.