Các nguy cơ xung đột lợi ích ở các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước

Theo chủ nhiệm đề tài, kiểm soát xung đột lợi ích (XĐLI) trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là việc áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các tình huống trong đó lợi ích cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn làm trong doanh nghiệp, tổ chức có thể ảnh hưởng, tác động không đúng đến việc thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đó khi tham gia vào các giao dịch của công ty.

Đề tài đã đưa ra các nguy cơ XĐLI như: Nguy cơ XĐLI trong công ty đại chúng; nguy cơ XĐLI trong tổ chức tín dụng và nguy cơ XĐLI trong tổ chức xã hội hoạt động từ thiện.

Theo chủ nhiệm đề tài, XĐLI trong các công ty đại chúng chưa được các doanh nghiệp quan tâm thích đáng, không nhận diện đầy đủ các giao dịch tiềm ẩn nguy cơ XĐLI, không nhận diện chính xác giao dịch tiềm ẩn XĐLI của công ty với người có liên quan, chưa chú ý đến các giao dịch bất thường. Chưa có cơ chế để bảo đảm quyền lợi của cổ đông nhỏ và kiểm soát lạm dụng quyền lực để trục lợi của cổ đông lớn.

XĐLI trong các tổ chức xã hội hoạt động từ thiện chưa được chú trọng thực hiện. Qua khảo sát 10 Điều lệ hoạt động của 10 Quỹ dưới đây về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát XĐLI nhận thấy, các quy định hầu hết là giống nhau, “copy” như nhau; các quy định có tính chất phòng ngừa XĐLI chỉ mang tính nguyên tắc, chung chung, không rõ ràng để tổ chức thực hiện. Không có các quy định về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát XĐLI theo quy định của pháp luật.

Việc kiểm soát XĐLI trong các tổ chức xã hội hoạt động từ thiện thời gian qua còn chưa được chú trọng, chưa được nhận thức một cách đầy đủ, thậm chí bị hiểu sai và giải quyết không phù hợp. Chưa có các yêu cầu về báo cáo về trường hợp XĐLI trong tổ chức, chưa có tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến cho các thành viên của tổ chức về vấn đề này. Chưa có vi phạm nào về XĐLI được báo cáo và xử lý trên thực tế.

Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát XĐLI trong hoạt động dẫn tới tham nhũng, tiêu cực. ThS Thúy đưa ra các biểu hiện như: quản lý quỹ tiền, hàng cứu trợ không đúng cách, hành vi chiếm đoạt làm của riêng của nhân viên công quyền, giả mạo danh sách nhận tiền, hàng cứu trợ, hỗ trợ không đúng đối tượng (hỗ trợ về nhà các lãnh đạo của địa phương, anh em họ hàng của cán bộ địa phương, của người có chức vụ trong tổ chức xã hội…); sử dụng quỹ không đúng mục đích, thiếu hiệu quả và thiếu trách nhiệm, sử dụng tài sản của tổ chức cho mục đích cá nhân…

Nhất là, trong những năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước chưa được quan tâm chỉ đạo, định hướng thực hiện. Ngoại trừ các cơ quan thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán (trong đó có các nội dung về công khai, minh bạch; kiểm soát XĐLI), trong lúc các cơ quan thanh tra khác chưa quan tâm thực hiện nội dung này.

Ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước

Trên cơ sở đó, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra các giải pháp kiểm soát XĐLI. Đáng chú ý là các giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về kiểm soát XĐLI trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Theo chủ nhiệm đề tài, tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng tác động trực tiếp đến tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và có nguy cơ cao gây thất thoát, lợi ích nhóm và thiệt hại cho người dân, Nhà nước.

Để ngăn ngừa tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc rà soát, phát hiện và xử lý hành vi giao dịch nội gián; hành vi rửa tiền, sở hữu cổ phần, góp vốn trực tiếp và gián tiếp nhằm thao túng các tổ chức tín dụng. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán, công bố thông tin và xử lý hành vi vi phạm trong công bố thông tin đối với các công ty đại chúng.

Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng cần tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành chứng khoán, bảo hiểm (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý bảo hiểm) theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm luật các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan về sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng, công ty con, cổ đông và xử lý các vi phạm giới hạn sở hữu cổ phần, giới hạn cho vay cổ đông và người có liên quan.

Đối với các hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, ngoài việc áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh, đưa vào diện cảnh báo để áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

UBND các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kế toán đối hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn. Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện cần kiểm tra, giám sát việc mở sổ kế toán chi tiết theo dõi riêng cho hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trên cơ sở chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng, việc lập báo cáo, công khai số liệu theo quy định hiện hành.

Về phía cơ quan chủ quản, Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thực hiện pháp luật PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Theo chủ nhiệm đề tài, hiện nay, hoạt động thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN, trong đó bao gồm hướng dẫn đối với các chủ thể thuộc khu vực ngoài Nhà nước về thẩm quyền thanh tra; nội dung thanh tra và chế tài xử lý nếu có hành vi vi phạm chưa được hướng dẫn chi tiết.

Qua rà soát các quy định pháp luật cho thấy, giữa nội dung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN có sự khác biệt căn bản giữa khu vực công và khu vực tư, nhất là vấn đề về thẩm quyền và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm.

Chủ thể khu vực công nếu vi phạm sẽ có các chế tài xử lý tương ứng và mặt Đảng và chính quyền. Trong khi đó, đối với khu vực tư, việc áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật là không phù hợp, trong khi đó chế tài xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với một số trường hợp theo pháp luật chuyên ngành.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu ban hành thông tư điều chỉnh về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN, trong đó có những quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước...

 

Thái Hải