Theo ThS. Lê Thị Thúy, việc nghiên cứu đề tài có tính cấp thiết trên cả bốn phương diện là chính trị - xã hội, lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn. Dưới sự lãnh đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước, các biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) không chỉ dừng lại ở khu vực công, mà đã được mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước.

Theo quy định của Luật PCTN năm 2018, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải áp dụng một số biện pháp PCTN như trong khu vực công, trong đó, kiểm soát xung đột lợi ích được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng từ xa, từ sớm bởi xung đột lợi ích và tham nhũng có mối quan hệ mật thiết với nhau; nhiều vấn đề lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích chưa có sự thống nhất về quan niệm, tình huống xung đột lợi ích, biện pháp xử lý tình huống xung đột lợi ích…

Các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn những hạn chế nhất định như quy định về kiểm soát xung đột lợi ích còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế pháp lý về kiểm soát xung đột lợi ích một cách có hệ thống, toàn diện, quy định về phòng ngừa, phát hiện xung đột lợi ích còn chưa hợp lý, chế tài đối với hành vi vi phạm chưa rõ ràng. Thực tế, xung đột lợi ích trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua…

Đề tài hướng tới mục tiêu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng, đưa ra quan điểm và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nhằm PCTN.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Để làm rõ mục tiêu đề ra, đề tài dự kiến nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Cơ sở lý luận về kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; Quan điểm, giải pháp về kiểm soát sung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước;

Cho ý kiến về thuyết minh đề tài, các thành viên hội đồng cho rằng, đề tài có tính cấp thiết trong công tác quản lý Nhà nước về PCTN và trong bối cảnh PCTN trong khu vực tư còn nhiều vấn đề vướng mắc. Các doanh nghiệp trong khu vực tư có nhiều xung đột lợi ích, thực tiễn chúng ta chưa quan tâm sát sao, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đối với nhóm chủ thể này.

Việc nghiên cứu đề tài, ngoài mục đích làm rõ mục đích, ý nghĩa hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát sung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, còn nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này…

Sau khi cho ý kiến về các nội dung nghiên cứu, hội đồng thống nhất đổi tên đề tài thành “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước - Những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN”.

TS. Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, chỉnh sửa lại các nội dung nghiên cứu cho phù hợp với tên đề tài; xác định rõ phạm vi, mục đích nghiên cứu trong thuyết minh cho phù hợp với yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước về PCTN hiện nay.

Kết thúc buổi họp, hội đồng thống nhất phê duyệt thuyết minh đề tài “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước - Những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN” để triển khai nghiên cứu trong năm 2023.

 

Thái Hải