Kế hoạch nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác PCTN, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về PCTN, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu việc sơ kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, thực chất, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung, mục đích, tiến độ đề ra. Đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác PCTN được tổng hợp báo cáo từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đề cương, kèm theo số liệu cụ thể; tập trung phân tích làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể trong việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN.

Việc sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Kỳ sơ kết 5 năm, thời gian lấy thông tin, số liệu thống kê từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2024.

Kế hoạch cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ điều kiện thực tế và chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động lựa chọn hình thức sơ kết phù hợp, tổng hợp kết quả và gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ trước ngày 31/10/2024.

Thanh tra Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN. Trường hợp cần thiết sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện báo cáo.

Nội dung sơ kết đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật về PCTN; đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về PCTN.

Đề cương sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN sẽ bao gồm 4 nội dung cụ thể:

Về đặc điểm tình hình: Khái quát đặc điểm, tình hình chung của bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTN.

Về kết quả thực hiện công tác PCTN, bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc phát hiện và xử lý tham nhũng; kết quả PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong PCTN; đánh giá chung về công tác PCTN.

Đối với nội dung đánh giá các quy định của pháp luật về PCTN sẽ đánh giá các ưu điểm; tồn tại, hạn chế, những chủ trương chính sách của Đảng chưa được thể chế hoá và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để điều chỉnh. Những quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn; những quy định còn chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, dễ dẫn đến sự tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật; những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo...

Tại phần kiến nghị, sẽ kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Kiến nghị, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về PCTN để bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu lực, hiệu quả của Luật PCTN và sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời kiến nghị về công tác tổ chức thi hành pháp luật về PCTN. Kiến nghị giải pháp, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN để bảo đảm công tác PCTN đi vào thực chất, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Phương Anh