Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thái Hải

Thứ năm, 26/12/2024 - 21:36

(Thanh tra) - Đề tài khoa học cấp cơ sở “Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”, do ThS Vũ Đức Hoan, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này trong thời gian tới.

ThS Vũ Đức Hoan trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị nghiệm thu. Ảnh: TH

Trình bày kết quả nghiên cứu đề tài khoa học tại Hội nghị nghiệm thu ngày 26/12, ThS Vũ Đức Hoan nhấn mạnh, mặc dù Luật Khiếu nại đã có quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại (Điều 10), nhưng thực tiễn thi hành đã phát sinh các tình huống mà Luật chưa dự liệu, khiến công tác giải quyết khiếu nại gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại tuy đã có quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại nhưng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không có các quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Trong thực tế, việc giải quyết khiếu nại, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường gặp phải những trường hợp cần tạm đình chỉ giải quyết vụ việc như có nội dung cần trưng cầu giám định nhưng thời gian giám định kéo dài; vụ việc phải đối thoại, nhưng người khiếu nại xin hoãn có lý do chính đáng; trường hợp dịch bệnh, thiên tai dẫn tới không thực hiện được quá trình xác minh giải quyết khiếu nại… 

Đối với vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo, chủ nhiệm đề tài cho biết, Luật Tố cáo 2011 không có quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo, nhưng Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Tuy vậy, sau 5 năm thực hiện cần phải có nghiên cứu đánh giá, tổng kết thực tiễn về vấn đề này.

Thực tiễn đặt ra nhiều bài toán đòi hỏi phải gấp rút sửa đổi Luật Khiếu nại 2011, nhất là cần bổ sung những quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết khiếu nại; đồng thời, tiếp tục bổ sung các quy định về căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết tố cáo ở Luật Tố cáo 2018.

Theo chủ nhiệm đề tài, để hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành, thực hiện việc rà soát và sửa đổi các quy định chưa rõ ràng, xác định và sửa đổi những quy định chưa đầy đủ hoặc không đồng nhất về các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ. Quy định rõ hơn về các căn cứ, tiêu chí để áp dụng tạm đình chỉ và đình chỉ nhằm tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng tùy tiện.

Bổ sung quy định mới như quy định cụ thể về căn cứ, thời hạn, trình tự, thủ tục và trách nhiệm khi tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bổ sung các trường hợp mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được quy định rõ trong luật hiện hành.

Đồng thời, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật có các chế định về tạm đình chỉ, đình chỉ. Đó là việc phải đảm bảo thống nhất các quy định liên quan giữa Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018 và các văn bản pháp luật khác như Luật Tố tụng hành chính, Luật Phòng, chống tham nhũng. Cần sớm ban hành hoặc sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ việc áp dụng luật một cách hiệu quả và nhất quán.

Mặt khác, cần quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc vượt thẩm quyền. Quy định rõ trách nhiệm giải trình, yêu cầu chủ thể có thẩm quyền khi ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng về căn cứ và cơ sở pháp luật...

Cùng với đó là bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Bổ sung các điều khoản bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, người bị tố cáo trong trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, đặc biệt khi có dấu hiệu lạm quyền hoặc sai sót.

Xây dựng cơ chế khiếu nại đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cho phép người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc các quyết định đó trái pháp luật.

Ban hành chế tài cụ thể đối với cán bộ, công chức lạm dụng quyền lực hoặc cố tình vi phạm quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các hành vi cố ý cản trở quyền khiếu nại, tố cáo bằng việc bổ sung các chế tài mạnh mẽ đối với những hành vi gây khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo không cần thiết bằng việc lạm dụng việc tạm đình chỉ, đình chỉ.

Bổ sung các quy định yêu cầu công khai quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ và lý do cụ thể trên các phương tiện thông tin hoặc hệ thống công khai của cơ quan như bảng tin, cổng thông tin điện tử để đảm bảo sự giám sát của người dân và cơ quan cấp trên.

Cuối cùng là hoàn thiện quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Ban hành quy định về việc số hóa quy trình giải quyết, lưu trữ và quản lý thông tin khiếu nại, tố cáo.

 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành Thanh tra giúp phát hiện các xu hướng tiêu cực từ sớm

Xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành Thanh tra giúp phát hiện các xu hướng tiêu cực từ sớm

(Thanh tra) - Đó là nhận định của bà Phạm Diệu Huyền, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) - chủ nhiệm đề tài khoa học cơ sở “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng”, tại Hội đồng nghiệm thu nghiên cứu khoa học vào ngày 26/12.

Thái Hải

21:50 26/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm