Tham nhũng trong đấu giá và đấu thầu đất gây ra tổn hại cho nền kinh tế

Theo ThS Nguyễn Sỹ Giao, đất đai là tài sản có giá trị cao, do đó, các cá nhân và tổ chức có quyền quyết định liên quan đến đất đai có thể lợi dụng giá trị cao của đất để thu lợi bất chính.

Mặt khác, đất đai thường gắn liền với các dự án phát triển lớn, như xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, hoặc các dự án hạ tầng quan trọng. Các dự án này thường liên quan đến khoản đầu tư lớn và lợi nhuận cao, làm cho việc lạm dụng quyền lực để giành quyền tham gia hoặc thực hiện dự án trở nên hấp dẫn hơn.

“Những quyền lực này nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể trở thành công cụ cho tham nhũng” - chủ nhiệm đề tài nhận định.

Đồng thời, quyền lực Nhà nước được trao cho người có chức vụ, quyền hạn có thể bị lạm dụng trong quản lý đất đai, bao gồm các quyền quyết định về quy hoạch và kế hoạch SDĐ; hạn mức và thời hạn SDĐ; xác định giá đất; giao và cho thuê đất; xây dựng chính sách tài chính về đất đai; xác định quyền và nghĩa vụ của người SDĐ.

Bên cạnh đó, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ khó phát hiện, ngăn chặn. Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động đấu giá SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ bao gồm rất nhiều khâu, diễn ra ở nhiều không gian khác nhau, phạm vi rộng, khó kiểm soát.

Cùng với đó, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ có tính giao thoa giữa lợi ích công và lợi ích tư. Nhóm lợi ích tham gia vào quá trình tham nhũng vì các động cơ kinh tế rõ ràng.

“Tham nhũng trong đấu giá và đấu thầu đất đai không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách và pháp luật mà còn gây ra những tổn hại lớn cho nền kinh tế và công bằng xã hội” - chủ nhiệm đề tài cho biết.

Cụ thể là: Tham nhũng làm suy yếu tính hiệu quả và tính công bằng của các chính sách liên quan đến đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ. Khi các quyết định về quy hoạch, kế hoạch SDĐ và phê duyệt dự án bị chi phối bởi các hành vi tham nhũng, chính sách trở nên kém hiệu quả và không còn phục vụ lợi ích chung.

Mặt khác, tham nhũng trong đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ có thể dẫn đến việc pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng. Các quy định pháp luật có thể bị bẻ cong hoặc làm sai lệch để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích.

Đồng thời, những quyết định không công bằng và không hợp lý do tham nhũng có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp pháp lý gia tăng. Các bên liên quan có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, gây ra gánh nặng cho hệ thống tòa án và làm giảm hiệu quả quản lý đất đai.

Tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ làm gia tăng nguy cơ lãng phí nguồn lực của quốc gia, không chỉ về mặt tài chính mà còn cả thời gian và cơ hội phát triển. Khi các dự án không đạt được kết quả như mong đợi, cơ hội phát triển kinh tế và xã hội bị bỏ lỡ, đồng thời ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trong tương lai.

Ngoài ra, tham nhũng có thể tạo ra sự bất ổn trong thị trường đất đai và xây dựng, dẫn đến sự thay đổi không dự đoán được trong giá trị và tình hình thị trường. Sự bất ổn do tham nhũng làm tăng độ rủi ro cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, làm giảm sự ổn định của thị trường đất đai và xây dựng.

“Việc thao túng quy hoạch và kế hoạch SDĐ do tham nhũng, tiêu cực làm khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển và quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Khi hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ thì tài nguyên đất đai có thể không được sử dụng đúng mục đích hoặc khai thác hiệu quả. Kết quả là quy hoạch đô thị có thể bị phá vỡ hoặc không đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Các dự án phát triển đô thị có thể bị đình trệ, gây ra tình trạng bỏ hoang đất đai, giảm hiệu quả sử dụng đất, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển chung của khu vực đó” - chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Phải công khai thông tin liên quan đến đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu các dự án

Theo chủ nhiệm đề tài, PCTN, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ là bộ phận quan trọng và không thể thiếu của cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực nói chung, có vị trí, vai trò rất quan trọng và liên quan chặt chẽ đến công tác đảm bảo trật tự, quản lý Nhà nước - xã hội, bởi vì nếu hoạt động này được thực hiện tốt sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, khách quan, toàn diện trong quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.

Cùng với đó, PCTN, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ góp phần tăng cường pháp chế; giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành phát luật của người có chức vụ, quyền hạn và thẩm quyền được phân công nhiệm vụ trong hoạt động đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ.

Đồng thời, PCTN, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; đảm bảo cho quá trình đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ được đúng đắn, khách quan, toàn diện và công bằng.

Chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra biện pháp PCTN, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ thông qua thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, thực hiện quy tắc ứng xử của những người có chức vụ, quyền hạn, và kiểm soát xung đột lợi ích.

Trong đó, biện pháp công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu các dự án cần phải công khai thông tin về tổ chức, hoạt động, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh hay các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Việc công khai phải đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, đầy đủ và kịp thời.

Cùng với đó, trách nhiệm giải trình là một yếu tố cốt lõi trong quá trình PCTN. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có thẩm quyền phải giải trình về các quyết định, hành vi trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi có yêu cầu từ các cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp.

“Việc này không chỉ tăng cường sự minh bạch mà còn giúp tăng niềm tin của người dân vào quá trình quản lý Nhà nước, hạn chế sự phát sinh của các hành vi tham nhũng và tiêu cực” - chủ nhiệm đề tài nói

Thực hiện quy tắc ứng xử cũng giúp tăng cường tính trách nhiệm và đạo đức công vụ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý đất đai, đấu giá và đấu thầu các dự án có SDĐ.

Ngoài ra, biện pháp PCTN, tiêu cực trong đấu giá quyền SDĐ và đấu thầu dự án có SDĐ thông qua thực hiện trách nhiệm của xã hội trong PCTN đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo dựng một môi trường quản lý đất đai minh bạch và liêm chính. Các chủ thể trong xã hội, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, nhà báo, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, đều có trách nhiệm cụ thể trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực…

Thái Hải