Doanh nghiệp không cấm đoán những giao dịch có khả năng tư lợi

Theo ThS Lê Thị Thúy, từ sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có hiệu lực đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước hầu như chưa có các biện pháp triển khai tổ chức thực hiện cụ thể, cũng như chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm rõ về kiểm soát xung đột lợi ích trong các chủ thể khu vực ngoài Nhà nước phải áp dụng các quy định về PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018, bao gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội có huy động vốn và đưa ra giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTN.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Lý, Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội đã trình bày tham luận “Kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty thông qua kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi” .

Theo TS Nguyễn Thanh Lý, giao dịch có khả năng tư lợi hàm chứa vấn đề xung đột lợi ích, thể hiện trên 3 yếu tố cơ bản: Sự dịch chuyển quyền lợi của công ty sang cá nhân; sự vi phạm của người được ủy thác tham gia giao dịch; sự lạm dụng vị thế để tư lợi. Theo đó, giao dịch có khả năng tư lợi là giao dịch có khả năng sẽ gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi của công ty do người đại diện tham gia giao dịch lạm dụng vị thế của mình nhằm thu lợi cá nhân.

Về các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích thông qua các giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty, TS Nguyễn Thanh Lý cho rằng các giao dịch có khả năng tư lợi là những giao dịch hàm chứ xung đột lợi ích và khả năng gây rủi ro cho công ty, nhưng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho công ty.

“Bởi lẽ, nếu như giao dịch có khả năng tư lợi, mang lại lợi ích lớn hơn các giao dịch thông thường thì công ty vẫn sẽ chọn giao dịch có khả năng tư lợi, và yêu cầu lúc này là thực hiện các biện pháp kiểm soát phù hợp để các cá nhân không thể trục lợi được từ các giao dịch đó” - TS Nguyễn Thanh Lý nói.

Cấp tín dụng cho người thân là biểu hiện của xung đột lợi ích

 Theo TS Nguyễn Thanh Lý, kiểm soát xung đột lợi ích trong các giao dịch có khả năng tư lợi cần tập trung vào các biện pháp như: Quy định về cơ chế thông qua quyết định của công ty; quy định về công khai hóa thông tin để kiểm soát xung đột lợi ích; điều kiện về tư cách và nghĩa vụ của người quản lý trong công ty; quy định về quyền của chủ sở hữu và vấn đề lương, thưởng đối với người quản lý để phòng, chống xung đột lợi ích; kiểm soát nội bộ đối với các giao dịch để tránh tư lợi; kiểm soát xung đột lợi ích trong giao dịch có khả năng tư lợi thông qua các văn bản nội bộ của công ty; xử lý vi phạm trong giao kết và thực hiện giao dịch tư lợi.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH 

Về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong tổ chức tín dụng (TCTD), ThS Phùng Thị Mai Ly, Thanh tra Giám sát Ngân hàng cho biết, xung đột lợi ích trong TCTD xảy ra một số tình huống như: Cấp tín dụng cho người thân của cán bộ, nhân viên chi nhánh TCTD; cấp tín dụng khách hàng và người có liên quan…

ThS Phùng Thị Mai Ly cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình huống xung đột lợi ích do khuôn khổ pháp lý vẫn còn nhiều khe hở; cán bộ, nhân viên làm sai quy trình quy định; sự hiểu biết, quan tâm của cán bộ, nhân viên TCTD về xung đột lợi ích còn hạn chế, chưa coi việc kiểm soát xung đột lợi ích là quan trọng; đạo đức nghề nghiệp, lòng tham của con người và tâm lý cả nể…

Trên cơ sở đó, ThS Phùng Thị Mai Ly đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn xung đột lợi ích. Trên thực tế, Luật Các TCTD 2024 đã được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó, một số quy định được bổ sung mới hoặc thay đổi như: Bổ sung một số nhóm người liên quan của cổ đông, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, các thay đổi về tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…

Mặt khác, đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ, nhân viên về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện đúng các cơ chế, chính sách, quy định và quy trình nội bộ của TCTD. TCTD cần có các biện pháp tuyên truyền về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về nội dung này; có hình thức, biện pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên…

Nhiều quỹ hoạt động chưa công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận tài trợ

Theo ThS Vũ Đức Hoan, Viện CL&KHTT, xung đột lợi ích trong các tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, là mầm mống cho các hành vi tham nhũng hình thành, phát triển. Đó là tình trạng các quỹ chưa thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của quỹ theo quy định; chưa ban hành đầy đủ quy chế, quy định trong nội bộ quỹ theo quy định điều lệ quỹ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhiều quỹ hoạt động chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ, cá biệt còn lợi dụng tổ chức, hoạt động của quỹ nhằm mục đích có tính chất tư lợi mà thực chất là tham nhũng.

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các quỹ đã không chú trọng việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định” - ThS Vũ Đức Hoan cho biết.

Qua khảo sát 10 điều lệ hoạt động của 10 quỹ về việc thực hiện các hiện pháp kiểm soát xung đột lợi ích, nhận thấy: Các quy định hầu hết giống nhau; các quy định có tính chất phòng ngừa xung đột lợi ích chỉ mang tính nguyên tắc, chung chung, không rõ ràng để tổ chức thực hiện; không có các quy định về thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật.

ThS Vũ Đức Hoan cho biết, hằng năm, các quỹ từ thiện khu vực ngoài Nhà nước thu và chi hàng nghìn tỷ đồng. Nhằm kịp thời ngăn ngừa các hành vi tham nhũng phát sinh trong các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trong thời gian tới cần thực hiện các biện pháp:

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật PCTN nói chung và việc thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích nói riêng đối với tổ chức xã hội ngoài Nhà nước; định kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố kết quả kiểm tra, thanh tra tổ chức xã hội về thực hiệp pháp luật PCTN nói chung và việc thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích nói riêng, để công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước về công tác PCTN nói chung và về thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích nói riêng.

Thái Hải