Xói mòn giá trị truyền thống, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn phim ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Ðiều đáng buồn, không chỉ người "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đối với vợ, với con lại chính là người chồng, người cha, mà còn là người con với mẹ đứt ruột đẻ ra mình.

Hành vi bạo lực trong gia đình xâm phạm thân thể, gây đau đớn, thương tích, thậm chí đe dọa tính mạng, sau nữa còn xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân, làm xói mòn giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

Nghiên cứu quốc gia gần nhất về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, do Tổng cục Thống kê phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho thấy, 58% phụ nữ đã lập gia đình hay từng lập gia đình bị ít nhất một trong ba loại hình bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần, vào một thời điểm nào đó trong đời.

Tình trạng bạo lực người cao tuổi trong những năm trở lại đây có xu hướng gia tăng, hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục… Còn bạo lực với trẻ em, nguyên nhân chính thường xuất phát từ mâu thuẫn cha, mẹ và con cái, trẻ không nghe lời, nghịch ngợm, không làm theo các quy định mà người lớn đặt ra.

Để ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, nhiều ban, ngành, đoàn thể tại nhiều địa phương đã được lập ra. Tuy vậy, đến nay, sự phối hợp của các cấp, ban, ngành chỉ đáp ứng được một phần. Vẫn còn nhiều vụ bạo lực gia đình đã và đang diễn ra.

Các quy định chưa có tính răn đe

Báo cáo kết quả sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTTDL cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, luật cũng đã bộc lộ những hạn chế trong quá trình thực hiện, việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính, không có tính răn đe, nên vi phạm tiếp tục tái diễn, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn diễn ra thường xuyên, chưa có nhiều thay đổi. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong thực thi luật còn chưa hiệu quả.

Mặt khác, luật cũng chưa giải thích hoặc giải thích khái niệm nhưng còn chung chung, dẫn đến chưa nhận diện được đúng, đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình; các quy định về thông tin, tuyên truyền luật còn chưa quy định rõ về nguyên tắc, đối tượng thông tin, tuyên truyền; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin hiện nay.

Việc thông tin, tuyên truyền chủ yếu đưa tin vụ việc, chưa chú trọng đến công tác phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực.

Chuyên gia tham vấn tâm lý chia sẻ, hành vi bạo lực chủ yếu là của người chồng lên người vợ hoặc cha mẹ lên con cái. Nên cần tuyên truyền mạnh hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vì đó là quyền lợi của mỗi người dân cũng như là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân. Mọi người không nhận ra, nghĩ bạo lực gia đình là chuyện của riêng mỗi cá nhân và có nhiều người vẫn còn thờ ơ với hiện trạng này, có những cơ quan, ban, ngành vẫn còn thờ ơ, thì chắc chắn là luật cũng chỉ tồn tại trên giấy.

Luật quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chưa làm rõ được tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình; các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo.

Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà, trong khi đó, nạn nhân thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).

Quy định hình phạt xứng đáng với hành vi phạm tội

Bộ VHTTDL cho biết, đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo nhằm khắc phục những bất cập trong thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Theo đó, bộ cho rằng cần thống nhất giữa khung xử phạt và mức phạt giữa hành vi bạo lực gia đình và hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội (thậm chí một số hành vi bạo lực gia đình còn phải xử phạt cao hơn vì tính chất quan hệ giữa nạn nhân và người gây bạo lực); tăng nặng một số khung hình phạt liên quan đến tảo hôn, cưỡng bức hôn nhân, lựa chọn giới tính khi sinh; tăng cường công tác truyền thông về các dịch vụ dành cho nạn nhân của nạn bạo lực gia đình... và bổ sung hình thức xử phạt bổ sung nhằm răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình...

Đặc biệt, cần có những thay đổi về các hình phạt trong luật để phù hợp với thực tiễn hơn. Các chuyên gia tham vấn tâm lý đưa ra ví dụ: Có những gia đình đã phản ánh là khi đưa ra các cơ quan chức năng thì chồng họ hay là người thân của họ sẽ phải chịu hình phạt. Điều đó thì ảnh hưởng ngay lập tức đến kinh tế gia đình họ và điều kiện sống của gia đình họ. Vì thế mà họ cũng rất ngại để đưa tình huống của gia đình họ ra trước pháp luật.

Vì thế, khi sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các cơ quan chức năng cần có những hình thức quy định hình phạt xứng đáng với hành vi phạm tội, nhưng cũng phù hợp với quyền lợi chung của phụ nữ, trẻ em, của gia đình.

Đồng thời, trong luật cũng phải có một nguyên tắc cơ bản là lấy nạn nhân làm trung tâm. Cụ thể như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dựa theo chính nhu cầu của nạn nhân, phải bảo mật thông tin và không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo các dịch vụ đó được cung cấp tại cùng 1 địa điểm.

“Thay vì nạn nhân tìm đến mình để kêu gọi sự trợ giúp, thì chúng ta phải chủ động đưa ra các dịch vụ và đưa tất cả các dịch vụ đó vào một chỗ. Bởi vì nạn nhân có rất nhiều nhu cầu khác nhau, có nhu cầu hỗ trợ về mặt y tế, về mặt an toàn cho bản thân, tư vấn về mặt tâm lý, rồi yêu cầu các dịch vụ xã hội nếu họ cần. Những việc đó phải có sự điều phối với nhau, chứ không để nạn nhân phải đi tìm đến mình”, chuyên gia tâm lý chia sẻ

Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Thái Hải