Tại phiên họp 57 sáng ngày 14/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề nghị của Chính phủ về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Giữa năm 2022 thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc đề nghị của Chính phủ và chương trình năm 2022 và bổ sung chương trình năm 2021 những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Một trong những nguyên tắc đó là nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Theo đó, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (cuối năm 2021) sẽ thảo luận và đến Kỳ họp thứ 3 (giữa năm 2022) sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến cho ý kiến 3 dự án luật khác, gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi). Cả 3 dự án luật này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2022.

Ngoài ra, Kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban tán thành với đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Pháp luật, việc đề nghị dự kiến chương trình năm 2022 của Chính phủ còn thiếu tính dự báo, việc chuẩn bị cho chương trình năm 2023 còn rất hạn chế (chỉ có 1 dự án luật được đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 để gối đầu sang năm 2023). Đây cũng là hạn chế đã được chỉ ra ở các năm trước nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Siết chặt kỷ cương, bảo đảm tính đồng bộ

Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi “chưa thấy bóng dáng việc sửa Luật Đất đai” trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng Đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022.

“Thực tế địa phương nêu nhiều vướng mắc liên quan đến luật. Khi sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có cái đã sửa, nhưng có những vấn đề cốt lõi phải sửa trong Luật Đất đai”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc có kịp chuẩn bị trình sửa luật này hay không.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Nhấn mạnh vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật đã được nói nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu mỗi dự án luật phải được đánh giá đầy đủ tác động; tránh để quay lại tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, tuổi thọ ngắn.

“Cương quyết giữ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chất lượng. Chỉ đưa những nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, có sự thống nhất cao của cơ quan trình và thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình sau đó về việc sửa Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long cho biết, hầu như lần nào báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội đều phát biểu “rất gay gắt” vấn đề này.

“Nhiệm kỳ này, chắc chắn không lui được nữa”, ông Long nhấn mạnh, vì Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có chương trình làm việc cụ thể để nghe tổng kết Luật Đất đai.

Theo ông Long, hiện đã tổng kết, thảo luận một số vấn đề, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề đúc rút để đưa vào báo cáo tổng kết trình Trung ương và xây dựng Dự án Luật Đất đai sửa đổi. “Tôi nghĩ, cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 sẽ kịp trình Dự án Luật này”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm chuẩn bị các dự án luật gửi cơ quan thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Chính phủ và các cơ quan từ nay đến cuối năm không đề xuất bổ sung thêm dự án vào năm 2021 để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không xem xét các dự án không có trong chương trình”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, Chính phủ cần xem xét giải trình làm rõ một số việc hiện nay đã quá hạn, ví như: Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh…

Theo danh mục các luật, pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13), hiện còn 18 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành (dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2-5 năm).

Chính phủ đề xuất không tiếp tục xây dựng 8/18 luật gồm: Luật Chủ tịch nước; Luật Tố tụng lao động; Luật Bảo đảm trật tự an toàn, xã hội; Luật Chứng thực; Luật Truy nã tội phạm; Luật Tiền lương tối thiểu; Luật Hiến máu; Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức.

Còn lại 10 dự án luật, pháp lệnh gồm: Luật về Hàm, cấp ngoại giao; Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Dân số; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về Hội; Luật Biểu tình; Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp thì tiếp tục xây dựng.

Nhất trí với đề xuất này, cơ quan của Quốc hội đề nghị, với 10 dự án luật, pháp luật tiếp tục xây dựng thì Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa vào chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác. 

Hương Giang