Sáng ngày 29/8, Tổ Công tác của Thủ tướng làm việc với 8 tỉnh, TP (Hà Nội, TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương) về thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) với sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ, ngành “ôm” nhiều quyền quá!

Mở đầu buồi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã điều hành quyết liệt để cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh – những rào cản đối với việc gia nhập thị trường, mang lại những thay đổi tích cực với xã hội.

“Rõ ràng là chưa bao giờ chúng ta làm được như hiện nay”, ông Dũng nói.

Điểm lại một số dấu mốc như tháng 3/2019, Chính phủ đã khai thông trục liên thông văn bản quốc gia; tháng 6/2019, hệ thống họp trực tuyến E-cabinet chính thức vận hành… Bộ trưởng cho biết: “Chính phủ sẽ sớm tiến đến mô hình Chính phủ phi giấy tờ”.

Đi cùng với đó, các địa phương cũng mạnh mẽ cải cách, đổi mới, xây dựng TP thông minh, năng động.

Tuy nhiên, theo Tổ trưởng Tổ Công tác, những kết quả đạt được dù đáng kể nhưng không thể nói không còn tồn tại bất cập.

“Tổ Công tác của Thủ tướng xác định không để nhiệm vụ nào không được hoàn thành, hơn nữa, phải hoàn thành với chất lượng và tiến độ đảm bảo”, Bộ trưởng nêu nguyên tắc.

Tại cuộc họp, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, từ năm 2018, sự “gia tốc” xây dựng Chính phủ điện tử là “điểm sáng của cải cách”. Và chúng ta đã cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh, TTHC, kiểm tra chuyên ngành.

“Thực tế, kết quả giảm TTHC, giảm mức độ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa đến 50% đâu, còn đạt bao nhiêu % thì phải tính. Nhưng dù sao đấy cũng là điểm nhấn rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất cao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, nếu không quyết liệt thì cũng không đạt được kết quả đó”, ông Lộc nói.

Vì vậy, ông Lộc cho rằng, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc minh bạch hoá, đơn giản hoá TTHC, tránh tình trạng, doanh nghiệp “không biết làm thế nào”. Nhất là, phải phân cấp, phân quyền và thực hiện xã hội hoá.

“Các bộ, ngành Trung ương “ôm” nhiều quyền quá. Tại sao không uỷ quyền, phân quyền cho địa phương để địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch VCCI nói và nhấn mạnh, rất nhiều TTHC có thể giao cho địa phương như quy định xây dựng từ 20 tầng trở lên thì phải lên Bộ Xây dựng là không cần thiết.

Hay rất nhiều TTHC có thể giao cho các tổ chức làm, không nhất thiết phải cơ quan Nhà nước thực hiện. “Như thế một mũi tên sẽ trúng được nhiều đích. Chúng ta đơn giản hoá được bộ máy, nâng lương cho đội ngũ cán bộ làm chính sách, vừa tạo ra sự phát triển của thị trường tư nhân, của các hiệp hội…”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Hiệu quả cải cách phải tính ra bằng tiền, thời gian

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tỷ lệ gửi nhận văn bản trên nền điện tử mới triển khai nên còn ít... Hiện tỉnh đã xây dựng cổng thông tin điện tử thống nhất với 40 sở, ngành, huyện.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: HG

Đáng chú ý, theo bà Hà, trong triển khai một cửa, tỉnh Bắc Giang đã triển khai ứng dụng Zalo để công khai thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục hành chính trên Zalo. "Người dân rất hào hứng thực hiện. Qua ứng dụng đó, người dân thực hiện tốt hơn", bà Hà nói.

Lắng nghe ý kiến, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, xây dựng Chính quyền điện tử phải tiếp cận trên cơ sở cải cách hành chính, công nghệ phục vụ cải cách.

“Phải có đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ thông tin, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề sử dụng ứng dụng Zalo trong cung cấp dịch vụ công, Chủ nhiệm Văn  Mai Tiến Dũng đề nghị, phải cân nhắc kỹ, nhất là liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin.

“Như câu chuyện Quảng Trị đặt vấn đề toàn bộ dịch vụ công trên Zalo hết thì việc này Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây phải đánh giá, xem xét kỹ", Bộ trưởng nói và cho rằng, “không để các địa phương ứng dụng khác nhau. Mình là cơ quan Nhà nước mà không có hướng dẫn gì là không ổn. Trách nhiệm cơ quan Nhà nước là phải đánh giá tác động, đặc biệt liên quan đến an toàn dữ liệu, an ninh thông tin là chúng ta phải xử lý”.

Trong khi đó, theo Chủ tịch VCCI, tỉnh nào có website tốt, tương tác tốt với doanh nghiệp thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao hơn.

Vì vậy ông Lộc cho rằng, có nhiều công cụ, nhưng trước hết thì website của tỉnh phải chuyên nghiệp, cập nhật thông tin, hiệu quả. Thông qua đó, người dân, doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn tương tác với chính quyền. Và một số tỉnh, TP đã có kinh nghiệm về Fanpage, Facebook, Zalo.

“Anh Dũng có nói đến cảnh báo về vấn đề an ninh chúng ta cũng phải tính. Nhưng dùng mạng xã hội để tương tác với xã hội một cách tích cực thì cũng là điều cần thiết. Chúng ta không chỉ đưa thông tin trên các kênh chính thức mà trên mạng xã hội, các cơ quan Nhà nước cũng phải tham gia tích cực để định hướng chứ không phải đóng cửa với mạng xã hội”, ông Lộc phát biểu.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, hiệu quả cải cách phải tính ra bằng tiền, bằng thời gian và kết quả cải cách phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương phụ trách lĩnh vực này.

Ông cũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là cần tiếp tục cải cách thực chất hơn. Đồng thời, cho biết, các ý kiến tại cuộc làm việc sẽ được tiếp thu, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới.

Theo ông Ngô Hải Phan, thành viên Tổ Công tác, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, đến nay 5/8 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương) chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Riêng Hải Phòng ban hành quy chế từ năm 2016 nhưng chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới.

Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ từ ngày 12/3/2019 đến ngày 20/8/2019 của một số địa phương chưa cao như Vĩnh Phúc 17,9%, Hải Dương 35,5%. Thể thức ký số của 6/8 địa phương (Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ) chưa tuân thủ quy định.

Nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử. “Điều này sẽ phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành”, ông Phan nói.

Các phương án đơn giản hoá TTHC hầu hết chỉ cắt giảm thời gian thực hiện một cách cơ học, chưa gắn với việc đổi mới quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực thực hiện của công chức.

Ông Phan cũng đề nghị, khắc phục tình trạng các địa phương cứ tung ra, cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng nghìn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, doanh nghiệp.

“Kinh nghiệm là phải lấy người dùng làm trung tâm, tức dịch vụ công trước khi đưa lên hệ thống trực tuyến cần phải đưa ra lấy ý kiến người dân, tán thành thì mới triển khai chứ nếu chủ quan, duy ý chí, cho rằng làm như vậy tốt rồi, cứ bung ra thì thực tế là dù có thủ tục thật nhưng người dân vẫn không dùng”, ông Phan nói.

  

Hương Giang