Đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Trong các buổi làm việc giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang khẳng định: Khu vực vùng trồng vải thiều đã được khoanh vùng an toàn ngay từ đầu hoàn toàn không có đối tượng F1. Cơ quan chức năng tỉnh đã lập chốt kiểm dịch từ khi dịch còn chưa bùng phát, nghiêm cấm người ra vào khu vực trồng vải thiều khi không có nhiệm vụ. Không những vậy, UBND tỉnh Bắc Giang còn chỉ đạo những tuyến đường như QL37, QL279 . . . dành riêng cho xe chuyên chở vải thiều vận chuyển. Tất cả các lô hàng này đều được cấp giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu vệ sinh dịch tễ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, niên vụ vải năm 2021, toàn tỉnh có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7. 

Cùng chia sẻ với người dân, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đã thống nhất triển khai những phương án thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử và chuẩn bị các hoạt động truyền thông, quảng bá để đáp ứng mọi đơn hàng vải thiều, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức từ xe lạnh tới phương thức hàng không và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng. Hiện đang trong công tác chuẩn bị hàng hoá, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, dự kiến 3 - 4 ngày tới sẽ chính thức mở bán đợt vải thiều Bắc Giang một cách rộng rãi đến tay người tiêu dùng cả nước.

Bên cạnh đó, một số sàn thương mại điện tử Sendo.vn còn trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên Facebook, Tiktok, Senlive để chốt đơn hàng loạt.

Hoạt động nằm trong phần trọng tâm của chương trình phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Bắc Giang. Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương như “Ngày đặc sản Sơn La" (Sendo.vn), “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” (Sendo.vn), đẩy mạnh tiêu thụ hành tím Sóc Trăng (Voso.vn) hay gần đây nhất là chương trình tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Các chương trình kể trên đều mang lại hiệu quả tích cực với hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, độ phủ trên 60 tỉnh, thành.

leftcenterrightdel
 Sơ chế và đóng gói vải thiều. Ảnh: MK

Phối hợp tiêu thụ nông sản của vùng đang có dịch Covid-19

Sau khi thống nhất với Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và Bộ Y tế, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn có dịch Covid-19.

Tiêu chí để thực hiện thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn có dịch Covid-19 là sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành Y tế, Giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.

Nhiều nông dân trồng vải cho biết, nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, vì thế mẫu mã chất lượng vượt trội so với các năm trước, quả to tròn mọng nước, không sâu cuống, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng và chăm sóc ở “vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động Covid-19. 

Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Xử lý, hướng dẫn và tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này (địa chỉ trụ sở, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử…) để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ khi cần thiết.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thông báo các khu vực bị phong tỏa hoặc khu vực có ổ dịch trên địa bàn tỉnh, TP theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tỉnh, TP, các tổ chức, cá nhân biết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Đồng thời tổ chức thực hiện hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản và lưu thông trên địa bàn kịp thời, hiệu quả.

Bộ Công thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gửi Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) để xử lý hoặc tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Lê Phương