Vải thiều Thanh Hà từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon khắp vùng. Với sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh nên quả vải ở đây ngày càng chất lượng, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo. Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn. Dự kiến, tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước... 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hình thức bán hàng này mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Người tiêu dùng mọi miền đất nước, quốc tế sẽ biết đến vải thiều Thanh Hà một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.

Hiện tại, vải được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước và được nhiều doanh nghiệp thu mua để đưa vào chuỗi siêu thị như VinMart, Intimex, BigC... và các chợ đầu mối lớn. Người dân thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu thăm quan vườn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: AT

Với hơn 3.300ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vải thiều Thanh Hà được biết đến là trái cây đặc sản sạch, một món quà quý, chất lượng cao có thể ăn, làm quà biếu, tặng. Ở đây đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Thực tế nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.

Trước khi thu hoạch, nông dân Thanh Hà bắt buộc phải dừng phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 ngày để dư lượng thuốc ở mức thấp nhất, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn. Vải thiều Thanh Hà có vị thơm, ngọt, vỏ mỏng, cùi dầy màu trắng ngà, hạt nhỏ chứ không phải vị chát, hạt to như vải ở một số nơi khác. Ngoài vải thiều chính vụ, Thanh Hà còn có 3 giống vải khác chín sớm hơn, đó là vải u trứng, u hồng và tàu lai. Ba loại vải này cho thu hoạch trong tháng 5, được trồng chủ yếu ở các xã Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng.

Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm duy nhất của tỉnh Hải Dương được cấp chỉ dẫn địa lí vào năm 2007, lọt vào top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà thường tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải.

leftcenterrightdel
 Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm duy nhất của tỉnh Hải Dương được cấp chỉ dẫn địa lí vào năm 2007, lọt vào top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng. Ảnh: LP

Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn thu hoạch, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, được tổ chức vào ngày 18/5, nhằm quảng bá tiêu thụ vải, còn lễ hội vải thiều dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6. Hàng năm, huyện Thanh Hà cũng tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội để giới thiệu quả vải đến tay người tiêu dùng cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với chức trách, vai trò của mình, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ trong nước, hỗ trợ xuất khẩu.

Năm 2020, Công ty CP Ameii Việt Nam bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay, doanh nghiệp này dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệmới đã ký kết và có hiệu lực như EVFTA, CPTPP… hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế. 

“Trong khuôn khổ hội nghị này, BộCông Thương cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với quả vải thiều Thanh Hà và nông sản, như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu cắt băng mở vườn, đưa vải thiều Thanh Hà xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: MK

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch Covid-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung đã tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, dù thời gian qua có những biến động của thị trường và tình hình phức tạp của dịch Covid-19 làm đứt chuỗi cung cầu, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song, Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.

Năm 2020, hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều của cả nước đạt trên 200.000 tấn. Tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn (chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng cả nước), trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn (khoảng 50% sản lượng của tỉnh). 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đặc biệt, cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản, như quan tâm phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh.

Bên cạnh đó, quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng cũng như có chương trình hành động. “Bộ NN&PTNT sẽ có chương trình hành động cùng với tỉnh Hải Dương đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Lê Phương