Khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đi kiểm tra và đánh giá một số cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang, thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương. Hiện, tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường.

Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186ha, đặc biệt, cơ bản các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50ha được cấp chứng nhận.
Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021, có 3.328ha vải, trong đó có khoảng 1.600ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50 - 55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore.

Đối với các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ cho xuất khẩu.

Đến nay, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, năm 2020, để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã phải mời chuyên gia Nhật Bản sang giám sát quy trình xử lý khử trùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.

Sau khi chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam, đảm bảo thời gian cách ly phòng, chống Covid-19 theo quy định của Việt Nam, chuyên gia đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý khử trùng vải thiều, một quy định bắt buộc khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Đồng thời, đánh giá cao dây chuyền khử trùng xử lý vải thiều của Việt Nam. 

Kết quả, năm 2020, những lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang đã đến Nhật Bản, và cháy hàng ngay sau khi được giới thiệu ở siêu thị dù giá lên đến 500.000 đồng/kg.

Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20/5 đến 10/7/2021. 

Cũng trong diễn biến thị trường rau quả đang đến mùa thu hoạch như vải thiều và để bảo đảm chuỗi cung ứng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc không bị gián đoạn, mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý; bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản ùn tắc tại cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid-19. Khẩn trương báo cáo Bộ về kế hoạch thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả (trước mắt tại Móng Cái (Quảng Ninh) và Lạng Sơn) để nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cục Quản lý Chất lượng nông sản và thủy sản có nhiệm vụ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, có giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa.

Ngày 18/5, tại Hải Dương sẽ diễn ra hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc. Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế

 

Lê Phương