20 tấn vải thiều sớm Bắc Giang lên đường đi Nhật

Trong tháng 5/2021, những lô vải đầu tiên từ Thanh Hà (Hải Dương), Tân Yên (Bắc Giang) đã chính thức lên đường sang Nhật Bản - đánh dấu cho một mùa vải bội thu. Hôm nay (26/5), khoảng 20 tấn vải thiều chín sớm của Bắc Giang đã lên đường sang thị trường Nhật Bản. Đây là sự kiện lần đầu tiên quả vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu quả tươi sang thị trường Nhật Bản - lại đang đúng tâm dịch Covid - 19.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trên địa bàn huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, huyện Tân Yên đã tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều "sạch - không bị tác động của dịch bệnh COVID-19", như đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều của huyện, lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch COVID-19.

Đặc biệt ngày 20/5, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dưới sự giám sát kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị được phía Nhật Bản ủy quyền - kiểm tra các điều kiện cần thiết về xông hơi, khử trùng quả vải thiều đạt tiêu chuẩn cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 

Quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều, bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn trồng vải thiều về quản lý mã số vùng trồng vải thiều an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh… Đảm bảo quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bắc Giang cũng đã chuẩn bị các điều kiện đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều.

“Chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (một thị trường lớn, tiềm năng, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh), là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều" ông Tuấn khẳng định.

leftcenterrightdel
 Vải thiều Việt Nam không chỉ được thị trường Nhật Bản đón nhận mà còn được thị trường các nước khác rất ưa chuộng loại quả này. Ảnh: LP

Trước đó, ngày 18/5, tại Hải Dương, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã dự lễ cắt băng chính thức mở vườn đưa vải thiều Thanh Hà, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương xuất khẩu.

Cũng trong ngày 18/5, Công ty CP Ameii Việt Nam, TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã chuẩn bị đủ phương tiện vận tải bảo đảm tiêu chuẩn để vận chuyển xuất khẩu 100 tấn vải quả đầu tiên sang Nhật Bản. Và đến sáng 23/5, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã chính thức có mặt ở Nhật Bản mà vẫn giữ được màu sắc tươi sáng, chất lượng đảm bảo.

Vải thiều Việt Nam được lòng khách hàng Nhật Bản

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như các đối tác nước ngoài, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi Siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè.

Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng qua từng năm cũng góp phần nâng cao nhu cầu mua và ăn vải thiều tại Nhật.

Để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cùng các huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tập trung sản xuất vùng vải thiều với diện tích 219ha, sản lượng vải thiều ước khoảng 1.800 tấn. Đến nay đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Giá vải các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg.

Đến hết ngày 24/5, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 3.716 tấn, giá bình quân 20.000 - 27.000 đồng/kg, có nơi bán 35.000 đồng/kg.

Câu chuyện về quả vải tươi của Việt Nam được nhiều người dân Nhật Bản và Việt Nam tại Nhật Bản trao đổi thường xuyên và trở thành đề tài nói chuyện “câu chuyện làm quà” trước khi trao đổi công việc chính.

Năm nay Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó tạm thời ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường nước này cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.

Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân tại các vùng trồng vải lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho mùa vụ năm nay.

Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: AT

Bên cạnh đó các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng rất chủ động, hiệu quả trong công tác hỗ trợ xúc tiến bán và xuất khẩu vải thiều. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực kêu gọi các sàn giao dịch thương mại điện tử, các đầu mối thu mua trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài tham gia hoạt động giao thương trực tuyến với các đầu mối xuất khẩu tại các hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều do UBND tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Cùng với đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại Thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản như phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến. Đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn.

Với hơn 3.300ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vải thiều Thanh Hà được biết đến là trái cây đặc sản sạch, một món quà quý, chất lượng cao có thể ăn, làm quà biếu, tặng. Ở đây đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.  Vải thiều Thanh Hà có vị thơm, ngọt, vỏ mỏng, cùi dầy màu trắng ngà, hạt nhỏ. 


Lê Phương