Hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng

Phát biểu tại sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 ngày 8/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng. 

Đơn cử, chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

“Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số”, Thống đốc thông tin.

leftcenterrightdel
 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại sự kiện. Ảnh: NĐ

“Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu đồng giao dịch/ngày”, Thống đốc nêu.

Ngành Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt đã triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia.

“Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kết nối, mở rộng và phát triển hệ sinh thái số tới các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để cung ứng các dịch vụ liền mạch, xuyên suốt, an toàn, tiết kiệm và minh bạch”, bà Hồng khẳng định tại sự kiện.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho biết, chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phát huy những kết quả nêu trên, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ ưu tiên tập trung vào một số công việc cụ thể.

Thứ nhất, rà soát đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 810 để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn ngành.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN.

Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và và chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng.

Thứ năm, thống nhất chỉ đạo toàn ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.

4 khía cạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng cần thúc đẩy

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chỉ ra 4 khía cạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng cần thúc đẩy.

Thứ nhất, dữ liệu đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng có nhiều dữ liệu, do đó, cần phải khai thác hiệu quả thông qua thí điểm, xây dựng các quyết định pháp lý liên quan... Điều này sẽ giúp tạo nên nhiều giá trị cho ngành Ngân hàng nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm 16 gian hàng tại sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Ảnh: NĐ

“Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của dữ liệu, các ứng dụng thực tế, công nghệ của ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ chưa đạt yêu cầu về chuyển đổi số”, ông Long nói.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu. 

Thứ ba, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ sự phát triển nhanh bền vững hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh linh hoạt, hiệu quả và tối ưu chi phí ngày càng quan trọng. Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý chuyển đổi số ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị số.

Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi ngành Ngân hàng. “Tình hình tấn công vào hệ thống cũng như đánh cắp thông tin của người dùng trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là vấn đề chiếm quyền hệ thống thông tin đe dọa nghiêm trọng đến các ngân hàng và nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.

Nguyễn Điểm