Sẽ tổ chức tọa đàm về tín dụng bất động sản

Chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản là vấn đề nóng tại buổi họp báo hôm nay. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới sẽ có giải pháp về tín dụng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tiết lộ, sắp tới sẽ tổ chức tọa đàm về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để đóng băng.

Ông Đào Minh Tú là thành viên tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản. Ông cho biết, đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Sau công điện của Chính phủ về thị trường tín dụng, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai về vấn đề tăng trưởng tín dụng. "Room tín dụng đã mở; các hiệp hội đang vận động hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai phần của ngân hàng trong phần việc của tổ công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản", ông Tú nói.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

"Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp và các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp", bà Giang nói.

Tăng trưởng tín dụng đã đạt 13% so với cuối 2021

Về tăng trưởng tín dụng, ông Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô.

Nguyễn Điểm