Chị Nguyễn Thị Tình, giáo viên một trường mầm non thuộc một huyện ngoại thành tại Hà Nội cho biết, gần 2 tháng nay, cùng đồng nghiệp bàn tán xôn xao về việc tăng lương từ ngày 1/7 tới đây. Chị Tình cho biết, tổng tiền lương hiện giờ cô được khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Nếu tới đây tăng lương tiền lương có thể lên tới hơn 9 triệu đồng/tháng.

Khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác, nhiều giáo viên rất vui, hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề.

“Mặc dù tiền lương tăng cao thì ai cũng thích, nhưng quan trọng nhất với những công chức, viên chức và người lao động là lương tăng, mà giá cả thực phẩm cũng tăng thì coi như lương tăng chẳng để làm gì”,

Không riêng gì giáo viên, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều bày tỏ sự phấn khởi khi được hỏi về chính sách cải cách tiền lương.

Thượng uý chuyên nghiệp Trần Văn Hưng đang công tác tại một đơn vị quân đội tại Nam Định cũng chia sẻ, sau cải cách tiền lương, lương của lực lượng vũ trang cũng có nhiều cải thiện. Dù hiện tại mức lương của quân đội so với khối dân sự cũng khá hơn nhưng anh Hưng hy vọng với mức lương mới sẽ hỗ trợ nhiều gia đình nhỏ của anh.

Gần đến thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, rất nhiều cán bộ, công chức và người lao động bày tỏ mong muốn chính sách cải cách tiền lương sẽ được triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình đã đề ra. “Trước đây và cả đến thời điểm này, thu nhập của tôi thật sự không đủ sống. Chúng tôi rất mong chờ việc cải cách tiền lương và hy vọng việc được tăng lương sẽ giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định và tốt hơn để lo cho gia đình”, chị Trần Thị Lan, một cán bộ văn phòng tại tỉnh Hưng Yên chia sẻ.

Theo các chuyên gia tiền lương, chính sách tiền lương mới sẽ giúp nâng cao mức sống và điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời khuyến khích họ nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Người lao động đã rất kỳ vọng ở kỳ cải cách tiền lương lần này.

Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất với mặt hàng thiết yếu. Các chuyên gia tiền lương mong muốn Chính phủ quan tâm thực hiện kiểm soát giá, tránh tình trạng "té nước theo mưa", “lương đuổi theo giá”. Làm sao để lương tăng nhưng giá cả vẫn được giữ ổn định. Có vậy thì cải cách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa với người lao động.

Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ xóa bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, và thay thế bằng cách tính tiền lương mới, nhưng đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Được biết, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã chính thức trình Chính phủ phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/7 tới, trùng với thời điểm cải cách tiền lương…

Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Thời điểm tăng lương từ ngày 1/7/2024, trùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng hiện nay là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Đồng thời, việc tăng tiền lương của người lao động để phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Không những thế, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp, sẽ bảo đảm cân đối và không phát sinh so sánh, so bì giữa các khu vực.

Phương Anh