“Nóng” vấn đề đình chỉ hoạt động liên quan PCCC

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến phát biểu nhưng chủ yếu tập trung vào việc cơ quan công an kiểm tra các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải dừng hoạt động, trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ karaoke...

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề PCCC hiện đang là vấn đề “nóng” trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc đưa tiêu chuẩn quy định về PCCC quá cao khiến doanh nghiệp đang "ốm yếu" sau đại dịch COVID-19, càng yếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ, đóng cửa, người lao động mất việc làm hàng loạt, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Ông Cao Tiến Đoan kiến nghị ngành Công an có giải pháp hỗ trợ cụ thể với những dự án công trình mới, yêu cầu doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, nếu không chấp hành đúng sẽ xử phạt nặng, đóng cửa hoạt động. Còn các cơ sở kinh doanh đang hoạt động như nhà hàng, khách sạn, karaoke tại những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, TP Thanh Hóa cần tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp bổ sung, nâng cấp, sửa chữa, giãn thời gian hoàn thành các hạng mục PCCC.

leftcenterrightdel
 Các cơ sở karaoke trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị dừng hoạt động và nguy cơ phá sản vì liên quan đến PCCC. Ảnh: VT

Một số quy định PCCC hiện chưa phù hợp thực tiễn, ông Cao Tiến Đoan đề nghị các cơ quan chức năng sớm sửa đổi, ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giải thích: Một thời gian dài nhiều công trình không được quan tâm về PCCC hoặc không nghiệm thu đến nơi đến chốn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cháy nổ. Chính phủ giao các bộ, ngành kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Ngành Công an đang thực hiện đúng quy định và trên quan điểm "bảo vệ tính mạng người dân".

Ông Lập còn dẫn giải nhiều nội dung, quy định song Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ngắt lời và đánh giá ông Lập giải đáp "không đúng trọng tâm" vì trong bối cảnh doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” như hiện nay cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý của công an là đúng quy định song cần trên tinh thần chia sẻ. Nếu cứ làm đúng, máy móc là không ổn, phải theo hướng tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp, không phải cứ nhăm nhăm xử phạt. Nếu cứ áp tiêu chí mới thì 99% doanh nghiệp, chưa kể hàng nghìn cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... không đáp ứng được. Do đó, chỉ những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới đình chỉ hoạt động, còn lại cần có lộ trình để khắc phục dần.

Tất cả dịch vụ karaoke ngừng hoạt động vì PCCC

Trong đơn thư kiến nghị của tập thể các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh… thì hiện nay trên địa bàn có 838 cơ sở kinh doanh karaoke, từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng PCCC. Các cơ sở karaoke đều được nghiệm thu PCCC và các đoàn xuống kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất và kết luận đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2022, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 về tổng kiểm tra, rà soát về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc. Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Sau kiểm tra, tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke đều bị tạm dừng hoạt động, đình chỉ hoạt động với kết luận “không đảm bảo đầy đủ các điều kiện PCCC”, đồng thời yêu cầu khắc phục các tồn tại, thiếu sót, chủ yếu là yêu cầu thay thế vật liệu trang trí nội thất, vật liệu âm thanh, cách nhiệt trên tường vách ngăn, trần treo, đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang máy thoát nạn… phải là vật liệu khó cháy, không cháy theo quy định.  

Các cơ sở karaoke đã chấp hành nghiêm việc dừng hoạt động để tiến hành khắc phục theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng.

leftcenterrightdel
 Khung cảnh đìu hiu ở các quán karaoke ở Thanh Hóa vì bị dừng hoạt động. Ảnh: VT

Đến nay, các văn bản hướng dẫn cách khắc phục công tác PCCC trong lĩnh vực karaoke vẫn chưa cụ thể. Lực lượng PCCC Công an Thanh Hóa cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết những vấn đề cần khắc phục để các cơ sở tiến hành khắc phục theo quy định để nghiệm thu đi vào hoạt động.

Bà Bùi Thị Thu Hà, chủ cửa hàng karaoke Việt Đức Luxury, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa bức xúc: Cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo tiêu QCVN 06:2022/BXD thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu. Mỗi phòng hát đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng giờ phá bỏ đi toàn bộ để đầu tư mới sẽ khiến doạnh nghiệp chúng tôi lâm vào cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong quá trình dừng hoạt động, trung bình mỗi cơ sở kinh doanh karaoke có từ 20 đến 30 lao động mất việc làm, nảy sinh các tệ nạn xã hội, thất thu nguồn thuế của Nhà nước.

Vả lại, muốn để các doanh nghiệp trước đây làm theo quy chuẩn mới để đảm bảo an toàn cho người và tài sản thì cũng phải có lộ trình tái đầu tư không thể là ra quyết định là phải áp dụng được ngay vì phải chi phí đầu tư trang thiết bị nội thất chiếm hơn 50% giá thành của một phòng hát. Những khoản đầu tư lớn, các doanh nghiệp không thể làm được ngay mà cần phải có thời gian. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trong năm 2022 đã phải dừng hoạt động cả năm, cộng thêm việc dừng hoạt động 2 năm diễn ra dịch COVID-19 trước đó đã làm các doanh nghiệp kinh doanh karaoke điêu đứng, đứng trên bờ vực phá sản vì phải trả lãi ngân hàng và không có nguồn thu để trả nợ gốc và lãi vay. Cứ đà này, nếu cơ quan chức năng không tháo  gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp karaoke thì việc phá sản, vỡ nợ là điều đương nhiên - bà Hà bức xúc nói.

Văn Thanh