Gạch nối truyền thống - hiện tại

Cho đến bây giờ, khi đôi dép cao su của vuadeplop đã trở thành một thương hiệu được đông đảo người dân biết đến và vươn tới thị trường hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì chúng tôi vẫn nhớ, bữa cơm trưa hôm ấy là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Tiến Cường. Hai người đàn ông say sưa nói chuyện về đôi dép, về lịch sử và về những dự định để sản phẩm này được “hồi sinh”.

Anh Cường kể về bố vợ mình, nghệ nhân Phạm Quang Xuân khi ấy đã ngót tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn say mê làm những đôi dép lốp bằng tay, để bán cho một vài người còn thương nhớ một dấu ấn lịch sử. Nghệ nhân Phạm Quang Xuân cũng là một trong những người cuối cùng được chọn để tái hiện đôi dép Bác Hồ trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vào năm 1970. Từ câu chuyện của bố vợ mà Nguyễn Tiến Cường trăn trở, tại sao một sản phẩm tốt, mang nhiều ý nghĩa như đôi dép lốp mà đến giờ lại “lay lắt” trong hoài niệm của người dân như vậy... Anh quyết tâm phải thay đổi điều đó.

“Cường phò mã” lên Hà Giang tặng dép lốp cho huyền thoại Vù Mí Kẻ (đứng giữa). Ảnh: Hoàng Trường Giang

 

Nâng cốc bia lần nữa, rồi chẳng ai bảo ai, tự dưng những lời thơ của tác giả Tạ Hữu Yên mà chúng tôi được học ngày nào trong sách giáo khoa tiểu học lại ùa về ăm ắp:

“Đôi dép đơn sơ

Đôi dép Bác Hồ

Bác đi từ thuở chiến khu Bác về

Phố phường, nhà máy đồng quê

Còn in dấu dép Bác về Bác ơi !…”.

Tôi nói với anh Cường, đôi dép này sinh ra từ lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc trong thế kỷ 20, gắn liền với vỹ nhân là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy để nó “hồi sinh”, ta phải bắt đầu từ câu chuyện lịch sử, từ vỹ nhân.

Nguyễn Tiến Cường gật gù tâm đắc rồi bảo, “đúng rồi, phải bắt đầu từ lịch sử”. Nói là làm, thế là những ngày đầu ấy, tôi và anh Cường cùng người bạn Nguyễn Hồng Việt đã trực tiếp đặt hàng nghệ nhân Phạm Quang Xuân những mẫu dép cao su kiểu “kinh điển” 4 quai chéo, khắc tên, khắc bản đồ Tổ quốc để đi tìm gặp, trao tặng một số nhân vật lịch sử.

Còn nhớ hôm chúng tôi đến thăm Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang La Văn Cầu, khi đó ông đã 84 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn và xúc động. Người anh hùng trận mạc năm xưa, khi bị thương đã tự chặt cánh tay mình để xông lên đánh đồn địch, bây giờ ngồi trầm ngâm trong căn phòng khách nhỏ, nâng niu đôi dép cao su chúng tôi mang đến.

“Cường phò mã” tặng dép lốp đến Anh hùng LLVTND La Văn Cầu  (trái ảnh). Ảnh: Hoàng Trường Giang

 

Đại tá La Văn Cầu nói, “Tôi xúc động lắm, nhìn thấy đôi dép này là tôi lại nhớ Bác Hồ, nhớ những năm tháng ác liệt ở chiến dịch Biên Giới, nhớ đồng đội, nhớ thời hào hùng của dân tộc ta”...

Anh hùng La Văn Cầu cứ nắm chặt tay Nguyễn Tiến Cường rồi bảo, cảm ơn cháu đã làm “gạch nối” giữa truyền thống và hiện đại, để đôi dép cao su lại một lần nữa được nhiều người biết đến.

Rồi Nguyễn Tiến Cường lại tiếp tục cùng tôi mang đôi dép “huyền thoại” đến trao tặng cho “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt, một trong những Trung đoàn Trưởng Bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta (Trung đoàn 174 thành lập năm 1947), khi đó đã gần 100 tuổi.

Đôi dép lại được đưa đến tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Hoàng Kiền, người lính của Trường Sơn, Trường Sa và có gần 10 năm chỉ huy xây dựng tuyến đường bê tông dài nhất thế giới - đường tuần tra biên giới. Thậm chí, chúng tôi còn lặn lội lên tận mảnh đất cực Bắc Hà Giang để tìm gặp và tặng đôi dép cho “người mã phu cuối cùng” Vù Mý Kẻ - ông từ người chăn ngựa trong nhà vua Mông rồi trở thành Đại biểu Quốc hội 7 khóa, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên, người được Bác Hồ giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy công trường mở đường Hạnh Phúc....

Xứng đáng người “thừa kế ngai vàng”

“Cường phò mã” là nick name khá thú vị, mà theo cách giải thích của gã kỹ sư máy tính bỏ nghề, ấy là vì anh là con rể “Vua dép lốp” nên đương nhiên là “phò mã”. Và anh đã không phụ lòng sự lựa chọn của “vua cha” khi truyền ngôi.

Năm 2014 “Cường phò mã” bỏ việc ở một doanh nghiệp công nghệ với mức lương nghìn USD để thành lập công ty dép cao su và đăng ký thương hiệu: Vua dép lốp. Anh đã khôi phục và đào tạo được một đội ngũ những người trẻ làm dép lốp, không ngừng thay đổi mẫu mã, đầu tư chuyên nghiệp. Tháng 11/2019 vừa qua, “Cường phò mã” đã xây dựng được phòng biểu diễn và trưng bày quy trình làm dép lốp ngay trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

“Cường phò mã” giới thiệu đôi dép với “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt (phải ảnh). Ảnh: Hoàng Trường Giang

 

Đến nay, sau gần 6 năm, đã có hơn 300 nghìn đôi dép lốp được bán cho du khách ở 60 quốc gia. Công ty đã có đại lý khắp toàn quốc, nhà phân phối tại 3 quốc gia: Nhật, Pháp, Trung Quốc, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động với thu nhập bình quân từ 8 đến 13 triệu đồng.

“Cường phò mã” tâm sự với tôi rằng, khát vọng của anh là gìn giữ và phát huy một di sản của dân tộc đã gắn liền với những cuộc kháng chiến thần kỳ. Thông qua mỗi đôi dép lốp mà khách hàng sử dụng, câu chuyện lịch sử của dân tộc sẽ được kể một cách sống động và lan tỏa hơn.

Nguyễn Tiến Cường ước mơ sẽ xây dựng được bảo tàng dép lốp, ở đó du khách có thể được xem, được trải nghiệm để hiểu đôi dép lốp của Việt Nam có gì đặc biệt. Đôi dép lốp là sáng tạo của người Việt Nam trong kháng chiến gian khổ. Đôi dép đã theo chân vị anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh, theo chân người lính vào sinh ra tử để thống nhất đất nước. Nhưng đồng thời, đôi dép lốp bây giờ sẽ theo chân du khách đi khắp thế giới để giới thiệu về một di sản bản sắc Việt Nam.

 “Cường phò mã” nói, anh sẽ đưa dép lốp Việt Nam đi khắp thế giới và đang làm điều đó rất tốt. Tôi tin một ngày không xa, anh sẽ thay cha - nghệ nhân Phạm Quang Xuân để trở thành “Vua dép lốp”.

Hoàng Trường Giang