Các tuyến đường mới giúp kết nối huyện Mèo Vạc với các khu vực lân cận, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa như Thượng Phùng, Xín Cái, Pả Vi và Sơn Vĩ. Trước đây, giao thông giữa các xã vùng cao thường gặp nhiều trở ngại do địa hình đồi núi chia cắt và đường sá xuống cấp.

Tuy nhiên, sau khi các dự án hoàn thành, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn, giảm thời gian di chuyển đáng kể. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận các trung tâm hành chính và dịch vụ công mà còn mở ra cơ hội giao thương cho các hộ sản xuất nông sản và tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng cao như mật ong bạc hà, thịt bò Mèo Vạc và thảo dược…

Các tuyến đường liên xã như tuyến Pả Vi - Thượng Phùng và Pả Vi - cầu Tràng Hương sẽ giúp kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái trên địa bàn huyện. Điều này tạo điều kiện cho việc phát triển các tuyến du lịch mới, thu hút du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, chợ tình Khâu Vai... Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp huyện Mèo Vạc khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, huyện Mèo Vạc đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án giao thông trọng điểm, bao gồm: Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường từ Km160+500 Quốc lộ 4C xã Pả Vi đi mốc 456 xã Thượng Phùng và Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường liên xã từ Km160+500 Quốc lộ 4C xã Pả Vi đi cầu Tràng Hương, xã Xín Cái. Đây là hai tuyến đường huyết mạch, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các vùng địa phương, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hai dự án này được huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo chủ đầu tư tập trung tối đa triển khai thực hiện, do đó cơ bản đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Địa hình chia cắt phức tạp, mặt bằng không có sẵn (chủ yếu là đồi núi), khiến công tác san ủi và giải phóng mặt bằng đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn và thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, độ dốc lớn, quanh co, còn nhiều tuyến đường xuống trung tâm xã chưa được nâng cấp. Vào mùa mưa, đường xá thường xuyên bị sạt lở, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển vật liệu phục vụ thi công, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công”.

Không chỉ vậy, vật liệu xây dựng không sẵn có tại địa phương mà chủ yếu phải chuyên chở từ trung tâm tỉnh lên, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Một số công trình đầu tư tại các thôn bản chưa có đường ô tô, phải vận chuyển bộ hoặc bằng các phương tiện thô sơ, khiến giá thành công trình tăng cao. Ngoài ra, nguồn vốn giao kế hoạch hạn chế cũng dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thi công và thanh toán theo hợp đồng.

Trước những khó khăn trên, huyện Mèo Vạc đã triển khai hàng loạt giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án đầu tư. Huyện tập trung vào việc tăng cường huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là ưu tiên cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a để đẩy nhanh phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

leftcenterrightdel

Chủ đầu tư tích cực đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình. Ảnh: Bùi Bình

Đồng thời, huyện đã đưa ra yêu cầu bố trí đủ vốn cho các dự án theo khối lượng hoàn thành để đáp ứng tiến độ của dự án đã được phê duyệt, tránh để dự án kéo dài và phải điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư.

Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2024. Các công tác như khảo sát thiết kế, lập dự toán, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình sẽ được triển khai đồng bộ.

Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, huyện sẽ hoàn thiện các hồ sơ để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng cho các công trình khởi công mới trong năm 2024 theo đúng quy định của pháp luật.

Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sẽ được tăng cường để đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình chuyển tiếp từ năm 2023, đảm bảo sớm đưa các công trình vào sử dụng, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Việc hoàn thành các dự án này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương giữa các vùng miền. Các dự án nâng cấp hạ tầng sẽ là tiền đề để Mèo Vạc thu hút đầu tư, phát triển du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Trong tương lai, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút các nguồn lực đầu tư, phối hợp với các ban ngành để xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao nguyên đá, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.

 

Bùi Bình