Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tại Hà Giang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm: xây dựng các tuyến đường giao thông, cầu cống, hệ thống thủy lợi, các công trình phục vụ y tế, giáo dục và môi trường. Những công trình này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện giao thông, kết nối các khu vực, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục của người dân, đặc biệt là tại các xã biên giới, vùng núi cao.

Một trong những dự án tiêu biểu là Dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn” (BIIG1), được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, trong đó Tiểu Dự án tỉnh Hà Giang đã đem lại những kết quả tích cực.

Tiểu Dự án tỉnh Hà Giang thuộc Dự án BIIG1 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2755 ngày 13/12/2018, với tổng mức đầu tư hơn 962 tỷ đồng (tương đương 42,874 triệu USD). Trong đó, vốn vay ADB chiếm hơn 757 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hơn 204 tỷ đồng. Dự án bao gồm 3 hợp phần chính “Hợp phần 1: Kết nối giao thông; Hợp phần 2: Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt; Hợp phần 3: Quản lý tài sản công”.

Cụ thể, Hợp phần 1 có 3 tiểu dự án về nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông trọng yếu tại Hà Giang; Hợp phần 2 bao gồm 2 tiểu dự án xây dựng và mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các khu vực dân cư khó khăn.

leftcenterrightdel
Dự án: Nâng cấp và cải tạo đường từ thành phố Hà Giang đến Khu công nghiệp Bình Vàng với chiều dài khoảng 24,345 km đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Bùi Bình 

Việc hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường giao thông thuộc Tiểu dự án đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các xã khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản và hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, cũng như tăng cường khả năng tưới tiêu, đảm bảo nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, giúp người dân yên tâm canh tác.

Tính đến nay, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên các phương diện. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được xây dựng và nâng cấp, giúp giảm thiểu tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ.

Các cầu cống mới được xây dựng giúp đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là tại những vùng có địa hình chia cắt và thường xuyên xảy ra sạt lở. Nhờ đó, người dân có thể di chuyển thuận lợi hơn, tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ y tế và giáo dục, cũng như mở rộng cơ hội giao thương với các vùng lân cận.

Các công trình thủy lợi, hệ thống dẫn nước, hồ chứa được xây dựng từ các dự án đã giúp ổn định nguồn nước, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp. Các chương trình đầu tư vào xử lý nước thải, quản lý rác thải cũng đã giúp bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao…

leftcenterrightdel
Việc hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường giao thông thuộc Tiểu dự án đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng trong tỉnh. Ảnh: Bùi Bình 

Một trong những lợi ích đáng kể của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài là việc nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ địa phương. Thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật, Hà Giang đã dần xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, am hiểu về quản lý và vận hành các dự án theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp tăng cường khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay trong tương lai.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc triển khai các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tại Hà Giang vẫn gặp phải một số thách thức như: Thủ tục hành chính phức tạp; các quy trình phê duyệt, giải ngân còn mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…

Bên cạch đó, tại Hà Giang thường xuyên mưa lớn kéo dài, sạt lở đất đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, một số hộ dân chưa đồng ý với đơn giá đền bù, dẫn đến việc thi công không đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các tiểu dự án.

Để giải quyết các khó khăn, Ban Quản lý dự án BIIG1 đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để giải phóng mặt bằng, đồng thời tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo kế hoạch giải ngân theo đúng tiến độ đề ra. Nhờ sự nỗ lực này, nhiều tiểu dự án đã hoàn thành đúng hạn, mang lại hiệu quả rõ rệt cho đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tại tỉnh Hà Giang, đặc biệt là Dự án BIIG1, đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả bền vững, cần tiếp tục cải thiện công tác quản lý, nâng cao năng lực thực hiện dự án và xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Hà Giang tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế trong tương lai.

 

 

Bùi Bình