Dịch Covid-19 vẫn có hàng nghìn giao dịch

Theo “Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP HCM & vùng phụ cận quý 3/2021” của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), có sự sụt giảm về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc chủ chốt như đất nền, căn hộ, nhà phố và biệt thự.

DKRA báo cáo, trong quý 3, dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam, áp dụng giãn cách xã hội, thị trường BĐS trực tiếp bị ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn có hàng nghìn giao dịch trong bối cảnh này. Cụ thể: Tại TP HCM, có 1.864 căn hộ được giao dịch; tại các tỉnh, thành giáp ranh TP HCM, có 2.752 giao dịch là đất nền, căn hộ; cả TP HCM và các tỉnh giáp ranh, có 341 căn nhà phố, biệt thự được giao dịch.

DKRA đánh giá, nguồn cung mới chỉ bằng 13% so với quý trước và bằng 29% cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ bằng 17% quý 2 và bằng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Làm rõ hơn về những vấn đề trên của thị trường BĐS trong mùa dịch từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn BĐS An Gia cho biết, trong giai đoạn này, lượng giao dịch BĐS đã giảm ở mọi phân khúc. Tuy nhiên, một lượng lớn khách hàng có nhu cầu ở thực với mức tài chính hạn chế vẫn có động thái tìm kiếm, tìm hiểu các dự án nhà ở phù hợp. Doanh nghiệp đã điều chỉnh các mục tiêu và chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, như những chính sách triết khấu, gói ưu đãi... để thu hút khách hàng. Vì vậy trong mùa dịch đã có hàng trăm khách hàng đăng ký đặt cọc giữ chỗ, dự án tại Bình Chánh của TP HCM, và dự án tại Bình Dương, mặc dù chưa mở bán nhưng cũng rất nhiều khách hàng quan tâm. “Điều này chứng tỏ dù dịch Covid-19, mức độ quan tâm của người mua đến thị trường BĐS vẫn còn rất lớn”, đại diện Tập đoàn BĐS An Gia đánh giá.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý 3 vừa qua, Hiệp hội có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy, dù trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có hàng vạn giao dịch. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm, bởi đây là đối tượng cần đi trước.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, quý 3 vừa qua, tăng trưởng của Việt Nam được xem là thấp nhất trong lịch sử, khó khăn là rất lớn. Tuy nhiên, tại tọa đàm trực tuyến mới đây, với chủ đề "BĐS Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới", ông Thành đánh giá vẫn có những điểm tích cực. “Chiến lược chống dịch thay đổi là tiền đề quan trọng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, dù có khó khăn nhưng năm nay tăng tưởng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương”, ông Thành nói.

Ông Thành nêu, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư BĐS vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hai năm qua, với nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, thì BĐS vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt.

Ngoài ra, các vấn đề về pháp lý, đất đai, luật kinh doanh BĐS hiện đã có cải thiện để dự án triển khai nhanh hơn. Theo đó, chúng ta kỳ vọng có những sức bật trong tương lai.

Phục hồi và phát triển nhờ chính sách tháo gỡ ách tắc

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình về sửa đổi bổ sung 10 luật, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực... trong đó có bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở 2014 với nội dung: “1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Ông Châu cho rằng, nếu Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật được Quốc hội xem xét thông qua thì sẽ vừa tháo gỡ được ách tắc cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc chỉ có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, vừa tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Dự án Luật Sửa đổi bổ sung được thông qua sẽ tháo gỡ cho hàng trăm dự án. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội vàng để phục hồi, khi dịch bệnh được kiểm soát, quá trình tiêm vaccine trên diện rộng đang xúc tiến nhanh chóng, các hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường. Đồng thời, một trong những trợ lực lớn cho sức bật của thị trường BĐS là nhiều thủ tục pháp lý đã được tháo gỡ mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho rằng, nhiều chính sách đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý. Cuối năm nay sẽ có 2 văn bản pháp lý có thể được ban hành là nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh hoạt động BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.

“Ở góc độ nghiên cứu tham mưu, tôi cho rằng sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kinh nghiệm tôi nhận thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ”, ông Nguyễn Mạnh Khởi đánh giá.

Nghiêm Lan