Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, BĐS nhà ở phát triển tương đối nhanh. Tại Hà Nội, năm 2015 có hơn 10.700 căn hộ, năm 2016 hơn 42.000 căn hộ, 2017 là 48.000 căn hộ và năm 2018 giảm xuống 30.000 căn hộ được đem ra phát triển mở bán.

Tại TP HCM, năm 2015 có khoảng 2.700 căn hộ, 2017 khoảng 43.000 căn hộ, nhưng 2018 giảm xuống chỉ còn hơn 27.000 căn hộ được phát triển mở bán. Điều này cho thấy, xu hướng phát triển những năm qua có lúc lên lúc xuống, đặc biệt phát triển mạnh ở năm 2017. Trong khi đó, giao dịch năm 2018 lại không phải là cao.

Ông Khởi cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, nguồn cung về BĐS nói chung giảm so với 2018, đặc biệt giảm về số lượng căn hộ có giá trung bình.

 Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TQ

Ông Nguyễn Trần Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo một báo cáo tổng hợp mới đây của Hội Môi giới BĐS, lượng hàng hoá về nhà ở chung cư, căn hộ biệt thự tại Hà Nội và TP HCM đưa ra thị trường đã giảm chỉ còn khoảng 70% so với quý 4 năm 2018.

“Có một số đánh giá cho rằng thị trường BĐS 4 tháng cuối năm 2019 sẽ tốt hơn, nhưng theo tôi trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó theo hướng như vậy”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam đặt câu hỏi: “Tại sao thị trường BĐS đang phát triển tốt từ 2014 đến 2018 nhưng sang đầu năm 2019 lại giảm? BĐS thì cần tiền và đất nhưng cả hai đều giảm”. 

Theo ông Nam, đang có sự lo lắng về bong bóng BĐS, do đó Chính phủ đã có những bước đi hạn chế nguồn tín dụng vào BĐS, dự báo sắp tới sẽ còn siết chặt hơn nữa.

Trong xu thế nguồn cung thị trường BĐS nhà ở đã phát triển tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp đã hướng sang thị trường BĐS du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê… Nhiều chuyên gia đánh giá đây là mảng BĐS mà thị trường thời gian tới sẽ rất cần, nhất là trong tiến trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư.

 BĐS du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê sẽ phát triển. Ảnh: TQ

Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho rằng, năm nay là một năm nền kinh tế phát triển ổn định và thị trường BĐS không có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu.

Ông Chung cũng cho biết, tới đây có 3 khả năng cho thị trường BĐS: Thứ nhất, nếu thị trường cứ diễn biến bình thường không có gì xảy ra thì sẽ đi ngang với mức độ hơi điều chỉnh xuống. Thứ hai, sẽ có 3 nhóm BĐS nổi lên: BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp và siêu cao cấp, nhà cho thuê ở mức độ bình dân. Thứ ba, biến động kinh tế thế giới không thuận và Việt Nam chỉ là người bị ảnh hưởng bởi nó, và kinh tế vĩ mô chỉ đi ngang thì thị trường BĐS có thể sẽ điều chỉnh và nếu có xảy ra thì phải là cuối năm.

TQ