Hệ sinh thái ồ ạt thâu tóm loạt dự án địa ốc khủng

Trong thời gian gần đây, CapitaLand là một trong những đại gia bất động sản nổi bật nhất trên thị trường khi thực hiện hang loạt đợt thâu tóm dự án khủng cả trong Nam và ngoài Bắc.

Hồi đầu tháng 3 năm nay, CapitaLand Development (CLD), nhánh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand đến từ Singapore công bố tập đoàn này đặt mục tiêu phát triển 27.000 căn hộ vào năm 2028 tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, hồi đầu tháng 12/2023, CapitaLand đã nhận được chấp thuận của UBND tỉnh Bình Dương về việc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) sẽ chuyển nhượng Dự án Khu Đô thị Nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương cho CapitaLand.

Tới cuối tháng 2/2023, Liên danh Becamex IDC và CapitaLand đã khởi công xây dựng phân khu đầu tiên thuộc Dự án Sycamore với quy mô hơn 18.000 tỷ đồng

Cũng cuối năm 2023, CapitaLand gây chú ý khi mua lại một phần của siêu dự án phía Tây Hà Nội và đặt tên dự án này là Lumi Hanoi. Lumi Hanoi có tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng. Gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận thông tin dự án này chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Dù vậy, Lumi Hanoi vẫn được rao bán rộng rãi trên thị trường với mức giá từ 66 triệu đồng/m2 theo hình thức “booking”.

Ngoài ra, CapitaLand còn gắn liền với nhiều dự án “hot” có giá triệu đô cho mỗi căn hộ như Heritage West Lake, Define…

CapitaLand thua lỗ đến âm vốn, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 0 đồng

Có thể thấy CapitaLand gắn liền tên tuổi với các dự án quy mô lớn và giá bán cao ngất ngưởng. Thế nhưng, tại Việt Nam, hệ sinh thái CapitaLand lại đang chứng kiến một thành viên thua lỗ triền miên tới mức âm vốn chủ sở hữu. Đó là Công ty TNHH Quản lý Bất động sản CapitaLand.

Công ty TNHH Quản lý Bất động sản CapitaLand thành lập ngày 4/10/2007 tại tầng 17, tòa nhà Deutsches Haus, số 33 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với người đại diện pháp luật là ông Yap Vooi Soon.

Tại ngày 31/12/2022, vốn điều lệ của CapitaLand chỉ là… 4,86 tỷ đồng với cổ đông duy nhất CapitaLand (Vietnam) Holdings Pte.Ltd. Sở hữu vốn nhỏ nhưng CapitaLand sở hữu khoản âm vốn… siêu lớn.

Hồi cuối năm 2022, CapitaLand ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến… 917 tỷ đồng. Vì vậy, vốn chủ sở hữu công ty âm tới hơn 913 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc CapitaLand thua lỗ triền miên.

Trong năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CapitaLand cải thiện mạnh khi tăng 86 tỷ đồng, tương đương 92,5% so với năm 2021. Thế nhưng, tất cả các chi phí của CapitaLand đều đồng loạt tăng mạnh khiến công ty thua lỗ.

Cụ thể, chi phí tài chính tăng 52,1 tỷ đồng, tương đương 133% lên 91,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 22,6 tỷ đồng, tương đương 365% lên 28,8 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10 tỷ đồng, tương đương 4,1% lên 254 tỷ đồng.

Năm 2022, CapitaLand thua lỗ 212 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số lỗ 179 tỷ đồng của năm 2021.

Với chuỗi năm thua lỗ triền miên, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của CapitaLand trong thời gian dài luôn là 0 đồng.

CapitaLand đứng trước nguy cơ phá sản?

Với việc âm vốn chủ sở hữu 913 tỷ đồng, cuối năm 2022, tổng tài sản của CapitaLand chỉ là 554 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên đến 1.467 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa hệ số khả năng thanh toán tổng quát của CapitaLand là 0,38.

Theo lý thuyết kế toán, hệ số khả năng thanh toán tổng quát nhỏ hơn 1 “thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp”.

Đồng thời, tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của CapitaLand là 534 tỷ đồng và 1.429 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 0,37.

Theo lý thuyết kế toán, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Thanh Giang