Sáng 19/10, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”.

Lợi nhuận “khủng” từ những mảnh đất “đắc địa”

Dự án BT hay còn được gọi với cái tên dự án “đổi đất lấy hạ tầng”, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư. So với dự án BOT, dự án BT ít “nóng” hơn và ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán. 

“Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý. 

Thực tế, nhiều dự án BT không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ lợi ích của nhà đầu tư và “lợi ích nhóm". Hay mới đây, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội chỉ ra, có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và các dự án này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.

Thậm chí, một số dự án BT sau khi hoàn thành trở thành “biểu tượng” cho sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước như dự án Bảo tàng Hà Nội; dự án xử lý nước thải Yên Sở. 

Vậy tại sao hình thức BT khi triển khai tại nhiều quốc gia, ngay cả các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan… đã làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng, kêu gọi được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng ở Việt Nam thực sự là mảnh đất cho tham nhũng, tiêu cực để nhà đầu tư khai thác, tìm lợi nhuận “khủng”?

“Câu trả lời có thể chỉ ra rằng, chúng ta áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng”, PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V chỉ ra. 

“Lách luật”, thiếu công khai, minh mạch

Thêm vào đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi phê duyệt, thẩm định không rõ ràng. Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu, chủ đầu tư hầu như chỉ “một mình một chợ” đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Quyền sử dụng đất lại không được xác định chính xác và đầy đủ.

Phân tích sâu hơn, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho hay, bản chất dự án BT là hoạt động mua - bán nhưng không theo cơ chế thị trường. Giá cả dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường. 

“Con số cuối cùng luôn luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng”, ông Hòa bày tỏ.

Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật, kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc “thanh toán” bằng quỹ đất. Song chưa có dự án BT nào được kiểm tra, kiểm toán mà chỉ là quyết toán.

Dự án Nút giao thông Long Biên - một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BT mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra có sai phạm. Ảnh: Nhật Quang

 

Cũng theo, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, thông thường, một dự án đầu tư, dù dưới hình thức nào, cũng phải qua các quy trình, thủ tục và thẩm quyền phê chuẩn. Do thiếu công khai minh bạch, sự “lách luật” ở dự án BT xảy ra trên cả hai phương diện này và là nơi dễ dẫn đến “lợi ích nhóm”. 

Như Luật Đất đai quy định rõ cơ chế đấu thầu các khu đất thuộc quỹ đất dành cho phát triển của mỗi địa phương. Song, ở mức độ bất hợp lý, cho các mục tiêu không rành mạch, thỏa đáng, yêu cầu này đã bị loại bỏ đối với các dự án BT mà chủ yếu được thông qua cơ chế chỉ định thầu.

Phát triển tốt cần “vĩnh biệt” cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”

“Đã đến lúc vĩnh biệt thực sự cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nêu quan điểm. 

Để áp dụng đầu tư theo hình thức BT, theo ông Đặng Hùng Võ, phải lấp đầy “khoảng trống” pháp luật về giá trị bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng; về định giá đất trả cho nhà đầu tư.

Quan trọng, phải có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát và quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

“Cần quy định trách nhiệm kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất về triển khai các dự án BT của UBND cấp tỉnh nơi có dự án và của các Bộ có liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đề xuất.

PGS.TS Lê Huy Trọng thì cho rằng, phải lấy ý kiến nhân dân, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm nâng cao tính khả thi của dự án; chấn chỉnh công tác lập, thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán các hạng mục thuộc dự án, hạn chế sử dụng định mức đơn giá không phù hợp; tránh việc sử dụng vật liệu đặc thù, hạn chế việc phê duyệt các biện pháp thi công gây lãng phí.

“Quy trình, thủ tục thực hiện dự án được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu”, ông Trọng nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dự án đầu tư theo hình thức BT khi được đặt vào đúng chỗ, đúng thời điểm với khung pháp luật loại trừ được tham nhũng thì cơ chế này sẽ phát huy tác dụng như tác động ban đầu cho phát triển.

Thảo Nguyên