Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là câu chuyện “xưa như trái đất”. Nhưng thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc, phức tạp cần giải quyết, được dư luận xã hội rất quan tâm.

“Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, chung cư có thể là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Hải nói và cho hay, trên địa bàn TP, hiện có 2.598 chung cư, trong đó có 1.234 chung cư cao tầng và trong số chung cư cao tầng có 86 chung cư còn tranh chấp.

Chung cư chỉ 50 năm, “sổ hồng” lại lâu dài

Bí thư Hải cho hay, để thực hiện mục tiêu giải quyết chính sách nhà ở cho người dân thì phải chú trọng đầu tư, xây dựng nhà chung cư vì “đất chật, người đông”. Nên những năm qua, TP Hà Nội rất tích cực đầu tư phát triển nhà ở.

Đến nay, theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông, TP cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Với các dự án phát triển nhà ở đã cấp được 203.319 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ hồng), đạt 91,34%. Với chung cư tái định cư đã cấp được 13.668 giấy chứng nhận, đạt trên 97%.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đưa ra một loạt con số để dẫn chứng thành tích Thủ đô đã giải quyết tốt bài toán giải quyết nhà ở cho người dân như diện tích nhà ở bình quân của Hà Nội đã đạt được 26,1m2/đầu người (trong khi, mục tiêu định hướng phát triển nhà ở của cả nước phấn đấu đến năm 2020 là 20m2/người); số người dân ở nhà chung cư đã đạt 13,5% dân số.

“Ngày xưa, cứ mùa hè dân phố cổ mắc màn ra vỉa hè nằm, trong đó có tôi. Nhắc lại câu chuyện này để thấy về nhà ở hiện nay chúng ta đã giải quyết rất tốt”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Đông, việc giao đất với các dự án nhà ở, nhà chung cư chỉ có thời hạn 50 năm, trong khi quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở với người dân mua nhà chung cư là lâu dài.

“Nhà chung cư có thời hạn, niên hạn sử dụng chứ không phải vĩnh viễn. Như vậy, khi các tòa nhà chung cư xuống cấp cần xây dựng lại rất bất cập”, ông Đông đề nghị, sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn.

Phòng cháy, chữa cháy… chưa yên tâm

Vướng mắc nữa được nhắc đến là câu chuyện phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, việc khắc phục tồn tại về PCCC với các công trình đưa vào sử dụng trước 2001 (trước khi Luật PCCC có hiệu lực) gặp rất nhiều khó khăn vì phải bổ sung thêm thang thoát nạn, trang bị bổ sung hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động...

Trong khi đó, mức xử phạt hành chính thấp như thi công công trình khi chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC phạt từ 15-25 triệu đồng; đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu PCCC phạt từ 30-50 triệu đồng.

“Mức tiền phạt trên so với mức đầu tư và lợi nhuận từ việc đầu tư xây dựng công trình là rất nhỏ, dẫn đến trường hợp nhiều đơn vị, chủ đầu tư chấp nhận xử phạt và tiếp tục vi phạm mà chưa có chế tài biện pháp xử lý dứt điểm”, lãnh đạo Công an TP thông tin.

Trung tướng Đoàn Duy Khương cũng cho hay, quy định hiện hành còn có những “sơ hở” nên các bên (Chủ đầu tư, Ban Quản trị, đơn vị quản lý vận hành) vẫn đùn đẩy, né trách nhiệm trong công tác PCCC. Hơn nữa, việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các chung cư đã đưa vào hoạt động cũng rất khó khăn.

Từ đó, lãnh đạo Công an TP cho rằng, cần nghiên cứu quy trình cưỡng chế với chủ đầu tư công trình còn nhiều vi phạm về PCCC, cố tình chây ỳ không chấp hành; chuyển hồ sơ các công trình vi phạm cho cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật…

“Chúng ta đã có 3, 4 phiên HĐND TP giám sát, chất vấn vấn đề PCCC và đến giờ vẫn nóng, vẫn chưa yên tâm”, Bí thư Hà Nội nhận định và nêu rõ, “nhiều dự án cho người dân vào tạo ra sự đã rồi, cuối cùng là chúng ta phải chạy theo đuôi xử lý”. Chưa kể, vẫn còn 660 chung cư vi phạm về PCCC.

“Thấy nguy cơ, trách nhiệm rồi thì phải vào cuộc”

Trước những vấn đề đặt ra, theo người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp phải vào cuộc. “Chúng ta thấy vấn đề rồi, thấy trách nhiệm rồi, thấy nguy cơ rồi thì phải cùng vào cuộc để làm sao phát triển được nhà ở, đồng thời duy trì được môi trường hết sức lành mạnh cho người dân sinh sống”, ông Hải nêu.

Đề cập những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Hải đề nghị, nắm vững quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, các mục tiêu cơ bản, giải pháp chủ yếu để bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội, nhất là người đứng đầu các địa phương.

“Tôi đánh giá rất cao các Bí thư, Chủ tịch quận, huyện, thị xã vừa qua nắm rất chắc vấn đề; rất có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà chung cư; trực tiếp tham gia giải quyết, đối thoại với người dân, gặp chủ đầu tư, Ban Quản trị để giải quyết từng vấn đề đặt ra ở địa phương mình”, ông Hải nêu rõ, “vừa rồi kiểm điểm lại, chúng ta thấy rất nhiều lỗ hổng trong quá trình quản lý, bây giờ phải từng bước khắc phục”.

Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu phải, tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm liên quan đến nhà chung cư, nhất là vi phạm trật tự xây dựng và các điều kiện an toàn.

“Vừa rồi chúng ta đã thực hiện được là kiên quyết xử lý, những chủ đầu tư vi phạm trong quá trình xây dựng nhà chung cư thì không cấp chủ trương đầu tư dự án mới”, ông đề nghị, UBND TP rà soát báo cáo HĐND, Thường vụ Thành uỷ vấn đề này, tránh việc “chủ trương nói ầm ầm, nghị quyết đóng dấu ầm ầm, dưới vẫn cấp chủ trương đầu tư”.

Hương Giang