Chủ đầu tư DA Khu đô thị Bắc sông Tân An (phường Bình Định, An Nhơn) là Cty TNHH Nam Phát Bình Định và Cty TNHH Đầu tư Đông Bàn Thành làm chủ đầu tư DA Khu dân cư Đông Bàn Thành, phường Đập Đá chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, chưa được cơ quan chức năng thẩm định đủ điều kiện mở bán nền đất, đã thông tin rầm rộ quảng cáo, giới thiệu DA và huy động hợp tác góp vốn, đặt cọc, giữ chỗ - một hình thức núp bóng rao bán đất nền.

Cùng với 2 DA trên, tại phường Bình Định cũng đang tiến hành san lấp mặt bằng DA Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài về phía Đông và DA Khu dịch vụ - Thương mại - Dân cư Bắc Cầu Tân An.

Điểm chung của 4 DA này đều có nguồn gốc từ đất trồng lúa, diện tích vượt trên 10 ha. Trong đó, DA Khu đô thị Bắc sông Tân An gần 14 ha có vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng; Khu dân cư Đông Bàn Thành, phường Đập Đá trên 10 ha có vốn đầu tư 721 tỷ đồng; DA Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài về phía Đông trên 29 ha có vốn đầu tư 85,6 tỷ đồng và DA Khu dịch vụ - Thương mại - Dân cư Bắc Cầu Tân An 37 ha, với nguồn vốn 1.400 tỷ đồng.

Các DA này chỉ bồi thường đất nông nghiệp cho người dân vài chục nghìn đồng/m2, thậm chí có nơi chỉ bồi thường rẻ mạt 70 ngàn đồng/sào.

“Nhận được số tiền này, nếu gia đình chí thú làm ăn thì đầu tư quán ăn nhỏ, kiếm việc làm khác chuyển đổi nghề nghiệp, còn không chăm chỉ làm ăn thì chóng hết rồi rơi vào bế tắc, đói nghèo...” - một người dân chia sẻ với chúng tôi.

Trong khi đó, diện tích ấy rơi vào tay doanh nghiệp, chỉ sau một thời gian đầu tư hạ tầng từ số tiền huy động vốn, nó bay lên với giá thấp nhất 10 triệu đồng/m2 đất. Một sự nghịch lý không có lời giải thích?

Một DA Khu dân cư tại phường Đập Đá trên 10 ha

Theo văn bản của UBND thị xã An Nhơn, DA Khu đô thị Bắc sông Tân An mới hoàn thành tiền bảo vệ và phát triển trồng lúa với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, đã hoàn thành 50% tiền sử dụng đất, giao đất. DA Khu dịch vụ - Thương mại - Dân cư Bắc Cầu Tân An có Văn bản số 1660 ngày 21/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ông Đào Quý Tiêu - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết thêm: Hồ sơ DA Khu đô thị Bắc sông Tân An, DA Khu dân cư Đông Bàn Thành, Sở đang tiến hành thẩm định. Sau khi hoàn thành đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, báo cáo lên UBND tỉnh tiến hành lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh mới xem xét tất cả các điều kiện đầy đủ trình Bộ Xây dựng xem xét rồi mới cho phép mở bán.

Tại Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, chủ đầu tư chỉ được mở bán khi đã có giấy phép đủ điều kiện được bán do Sở Xây dựng cấp, trường hợp là đất nền thì phải có giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ DA; trường hợp là chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng và có bảo lãnh của ngân hàng. 

Thế nhưng, với các DA rao bán dưới hình thức huy động vốn như hiện nay là tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro về pháp lý, tài chính cho khách hàng trong khi cơ quan thẩm quyền chỉ đứng ngoài cuộc; như đã từng xảy ra tại một số địa phương miền Trung.

Dự án Khu dịch vụ - Thương mại - Dân cư Bắc Cầu Tân An rộng 37 ha

Theo đồ án quy hoạch vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035, thị xã An Nhơn sẽ trở thành đô thị loại III vào năm 2025, nhưng không phải vì thế mà chỉ tập trung vào các DA đầu tư khu dân cư, khu đô thị có nguồn gốc từ đất trồng lúa cốt phân lô bán nền.

Như vậy, sẽ làm thu hẹp diện tích, mất đất sản xuất nông nghiệp, lao động lớn tuổi không có việc làm khiến người dân lâm cảnh khó khăn, an ninh lương thực bị đe dọa.... Chưa kể việc xây dựng các DA này còn kéo theo tình trạng khai thác đất, đá bừa bãi, trái phép để phục vụ san lấp mặt bằng về sau.

N.Phó - L.Bình