Theo đó, công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được Cục Giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3; 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018; Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019.

Chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung tuy nhiên công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy, kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống…

Bên cạnh đó, sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

“Căn cứ theo quy định tại Điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng”, văn bản của Cục Giám định Nhà nước nêu.

Điều đáng nói, ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định của Bộ Xây dựng), đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Cục Giám định Nhà nước khuyến cáo UBND TP Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I và chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Văn bản số 447/GĐ-GĐ3 của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về việc khánh thành công trình “Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1”. Ảnh: PV

 

Thế nhưng chỉ 4 ngày sau khuyến nghị của Cục Giám định, ngày 5/9, chủ đầu tư vẫn khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo tìm hiểu của PV, một lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) tại Việt Nam cho biết Nhà máy nước mặt sông Đuống có sử dụng sản phẩm của công ty cho công trình dẫn nước.

Được biết, theo mục tiêu xây dựng dự án đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống được Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2869 năm 2016, khi đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp nước cho các khu vực hệ thống đường ống nước của thành phố chưa phủ đến được, trong đó có các khu vực như: quận Long Biên, các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín…

Tại quyết định này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, khi nhà máy đi vào hoạt động và cung cấp nước thương mại ra thị trường, đơn vị cung cấp phải liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo đúng quy định; lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển vùng phục vụ của nhà đầu tư.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống - giai đoạn I có tổng mức đầu tư là 5.000 tỷ đồng, bao gồm 2 hợp phần chính: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) và tỉnh Hưng Yên.

Chủ tịch HĐQT Nhà máy là bà Đỗ Thị Kim Liên, thường được biết đến với tên gọi “Shark Liên”.


PV