Xã hội hóa các chợ gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có 126 chợ trong quy hoạch, 2 trung tâm thương mại (TTTM), 7 siêu thị, trong đó 3 siêu thị hạng I. Về cơ bản, cơ sở vật chất của các chợ còn hạn chế, tỷ lệ chợ tạm và chợ bán kiên cố còn nhiều. Vốn đầu tư phân bổ cho xây dựng nâng cấp, cải tạo mạng lưới chợ thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với các chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhìn chung, các TTTM, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển tương đối, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, phần lớn các TTTM, siêu thị chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và phân bố không đều, chủ yếu tập trung phát triển ở khu vực thành phố.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, việc xã hội hóa hoạt động đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, do tỷ suất vốn đầu tư xây dựng chợ cao trong khi tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư thấp nên không hấp dẫn, khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư...

Tiến hành kiểm tra 16 chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, cả 16 chợ đều nằm trong Quy hoạch Phát triển mạng lưới chợ và TTTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3870/QĐ-UBND ngày 30/12/2011. 16 chợ được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo đều được UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh theo Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND tỉnh ngày 16/12/2011 về việc ban hành quy định về hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015. Trong đó, kinh phí hỗ trợ được sử dụng vào các hạng mục: Bồi thường, giải phóng mặt bằng; san nền; đường nội bộ chợ; hệ thống điện bảo vệ và chiếu sáng trong chợ; khu vệ sinh công cộng; khu thu gom rác thải; hệ thống thoát nước trong chợ. Tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn có 126 chợ cần được đầu tư xây dựng, trong đó có 5 chợ hạng I. Đến nay, đã có 65 chợ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo.

Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đến nay, đã có 3 chợ hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả, như chợ Hương Canh 2, huyện Bình Xuyên; chợ thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc và chợ thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Tổng mức đầu tư của 3 chợ là 162 tỷ đồng.

Theo hình thức xã hội hóa, các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ được kinh doanh khu phố thương mại bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước, với diện tích tối đa không quá 30% tổng diện tích khu vực xây dựng chợ. 

Nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng phần thô phố thương mại theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt sau đó mới được phép chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu hồi đất và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được khấu trừ vào tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định.

Kết quả huy động vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới chợ đến nay, Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 65 chợ với tổng mức đầu tư trên 749 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng là 347,8 tỷ đồng, ngân sách xã đối ứng, huyện hỗ trợ và huy động khác là 239,1 tỷ đồng.

Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi kết cấu hạ tầng thương mại theo hình thức văn minh, hiện đại, giải quyết được tình trạng xuống cấp của các chợ cũ, họp chợ ở hành lang đường giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường, tránh ùn tắc giao thông trong và xung quanh khu vực chợ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...; hình thành các phố chợ hiện đại, sạch đẹp, văn minh, góp phần thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, tăng sức mua trong cộng đồng dân cư, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa; đồng thời thu hút được các nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư quản lý khai thác hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 

Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ trong giai đoạn vừa qua đã có tác động mạnh đến việc các chủ đầu tư và các nhà đầu tư ưu tiên dành nguồn vốn đế đầu tư xây dựng chợ và về đích nông thôn mới.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc cơ chế hỗ trợ giai đoạn 2011-2015, hầu hết các chợ còn lại theo quy hoạch đều chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Như vậy, việc tiếp tục phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020 và định hướng đên năm 2030 đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng các chợ hạng I, II, III đều xuống cấp trầm trọng, việc xã hội hóa các chợ gặp nhiều khó khăn do các nhà đầu tư không mặn mà do phân tích kinh tế không đạt lợi nhuận. 

Cần khuyến khích thu hút tư nhân đầu tư vào chợ

Tại Bắc Cạn, theo quy hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 83 chợ trong đó có 2 chợ hạng I. Tuy nhiên, hiện nay mới có 65 chợ trong đó có 1 chợ hạng I, 61 chợ hạng III. Trên địa bàn tỉnh có 1 siêu thị BK Mart ở thành phố Bắc Kạn được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

Lý giải điều này, UBND tỉnh Bắc Cạn cho rằng, do thời điểm rà soát lập quy hoạch (năm 2008 - 2009) cho đến nay đã khá xa nên quy hoạch không còn phản ánh đúng tình hình phát triển chợ, TTTM của địa phương và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. 

Nhìn chung, các chợ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ khá lâu (5-10 năm) nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, nhiều hạng mục không còn sử dụng được. Trong khi đó kinh phí nâng cấp, cải tạo các chợ chủ yếu từ nguồn ngân sách nên rất khó khăn trong việc thực hiện.

Ngoài ra, một số chợ được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả gây lãng phí ngân sách đầu tư xây dựng chợ. Thực tế, nhiều chợ được xây mới không nằm trong giai đoạn của quy hoạch hoặc có chợ thuộc hạng mục xây mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng trong quy hoạch lại không được thực hiện. Đặc biệt, về mạng lưới siêu thị, TTTM của tỉnh còn kém phát triển, không theo định hướng trong quy hoạch.

Trong giai đoạn 2007 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 3 siêu thị với quy mô hạng III từ nguồn vốn tư nhân. Tuy nhiên đến nay, 2 siêu thị đã dừng hoạt động, chỉ còn 1 siêu thị hạng III đang hoạt động trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. 

Đối với mạng lưới chợ, giai đoạn 2007 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã xây mới 9 chợ; nâng cấp, cải tạo, mở rộng 21 chợ.

Hiện tại, các chợ đều đang có các tổ hoặc ban quản lý thực hiện việc quản lý chợ đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, phần lớn đều do cán bộ UBND xã sở tại làm công tác kiêm nhiệm và có sử dụng thêm lao động mùa vụ để thực hiện công tác thu phí, vệ sinh các phiên chợ. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý khai thác và kinh doanh chợ không có khó khăn, vướng mắc về nhân sự hoặc giải quyết chế độ cho người lao động. Tuy nhiên, các chợ chưa phát huy được hiệu quả trong công tác thu phí, lệ phí chợ. 

Theo quy hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 83 chợ trong đó có 2 chợ hạng I. Hiện nay, các địa phương đều có đề xuất điều chỉnh, bổ sung việc phát triển mạng lưới chợ, TTTM, siêu thị so với quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1820/QĐ-UBND ngày 4/10/2011 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, TTTM, siêu thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, có xét đến năm 2020.

UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ Công thương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phát triển hạ tầng thương mại cũng như nâng cao kiến thức về quản lý chợ để phát huy hiệu quả công tác phát triển chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, có những hướng dẫn về việc xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và hướng dẫn việc xây dựng danh mục các dự án chợ, siêu thị, TTTM để xúc tiến đầu tư, đặc biệt từ nguồn vốn tư nhân vì hiện nay, sự tham gia của nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh còn hạn chế.

Thân Giang