Nhiều DA chưa hoàn chỉnh hạ tầng

Kết quả giám sát cho thấy việc triển khai thực hiện các DA đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư trên địa bàn tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số DA trễ tiến độ thực hiện so với thời gian quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, có DA đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng, được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, được cho gia hạn, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai san lấp mặt bằng, chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Có DA đã san lấp mặt bằng xong nhưng chủ đầu tư chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như: Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan (huyện Bến Lức) với diện tích 24ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, gia hạn 1 lần, đã san lấp mặt bằng 100% diện tích. Đến nay chỉ mới xây dựng hàng rào, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng.

Một số DA đã được thỏa thuận địa điểm đầu tư từ rất lâu nhưng kéo dài đến nay vẫn chưa thực hiện. Đó là các DA khu đô thị, khu tái định cư do Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư tại xã Phước Lý (huyện Cần Giuộc) và xã Long Khê, Long Trạch (huyện Cần Đước) được tiếp nhận, thỏa thuận địa điểm đầu tư từ năm 2006, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện hoàn chỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất, bức xúc đối với người dân.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuy được tập trung thực hiện nhưng vẫn còn nhiều DA dở dang, giải phóng mặt bằng dạng “da beo” kéo dài, gây khó khăn trong quá trình triển khai đồng bộ DA, không thể đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Khu công nghiệp Đức Hòa I giai đoạn mở rộng còn 20 hộ (18,6ha) kéo dài gần 10 năm nay; Khu công nghiệp Đức Hòa III - Long Đức, Đức Hòa III - Resco còn khoảng 30ha dạng “da beo”; Khu công nghiệp Hựu Thạnh còn 160 hộ dân với diện tích 59ha đang bị khiếu nại về chính sách hỗ trợ, tài sản trên đất và chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, giao đất; Khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông (huyện Cần Đước) còn 17 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, giao đất; Cụm công nghiệp Hải Sơn Long Thượng còn 25 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường…

Theo HĐND tỉnh Long An, đây là “điểm nghẽn” lớn trong quá trình thu hút đầu tư, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất sạch để cho thuê tại các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, có một số DA dù mới được phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào thời gian gần đây (khoảng cuối năm 2018) nhưng tỷ lệ chi trả bồi thường đạt thấp. Điển hình, Khu dân cư của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát diện tích 36,47ha, đạt gần 53%; Khu dân cư An Long - Nam Sài Gòn diện tích 109ha, đạt hơn 42%; Khu dân cư của Công ty Cổ phần Bất động sản Phố Đông diện tích 54,6ha, đạt khoảng hơn 27%...

Sẽ xử lý nghiêm các DA vi phạm

Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Thanh Cang cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên là do chính sách, pháp luật về đầu tư, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong thực hiện, tạo sự so bì, thắc mắc, khiếu nại kéo dài; công tác quản lý Nhà nước đối với các chưa chặt chẽ; hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ trong việc thanh tra, xử lý đối với các DA chậm triển khai, vi phạm.

Bên cạnh đó, Long An là tỉnh tiếp giáp TP Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản luôn sôi động, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng đầu cơ đất, hình thành các khu dân cư nhỏ lẻ tự phát, gây sốt đất, giá đất tăng ảo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ triển khai DA…

Một số dự án tại Long An xây dựng hạ tầng kỹ thuật không có giấy phép. Ảnh: TN


Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh Long An kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tổng kiểm tra, rà soát tất cả DA hạ tầng khu, cụm công nghiệp và khu dân cư đã có chủ trương đầu tư, phân loại từng nhóm DA cụ thể; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư và đưa ra biện pháp xử lý đối với từng DA cụ thể.

Đồng thời, triển khai thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 đối với các DA hạ tầng khu, cụm công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các DA.

Kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư đối với các DA chậm tiến độ do nguyên nhân từ chủ đầu tư và đủ điều kiện thu hồi. Đối với DA bị thu hồi nhưng không xóa quy hoạch và tiếp tục kêu gọi đầu tư thì trong thời gian kêu gọi nhà đầu tư mới, phải quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản trong phạm vi DA để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đối với những DA trước đây đã được phê duyệt phương án giá đền bù, người dân đồng ý nhận tiền nhưng chủ đầu tư không có năng lực tài chính chi trả thì xác định lại phương án giá đền bù để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, xuyên suốt, nhất là trên địa bàn các địa phương trọng điểm của tỉnh.

Tuấn Nhật