Ngày 14/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1. Đây là phiên thẩm tra quyết định có hay không đưa báo cáo này ra xem xét tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 17/10 tới.

Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu!

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc giao cho ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư 4,8 tỉ USD, tương đương 111.000 tỉ đồng.

Theo lý giải của Chính phủ, Nghị quyết 94/2015 quy định dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư các hạng mục chính của dự án giai đoạn 1 bằng vốn của doanh nghiệp "là có thể xem xét chấp nhận được".

Nhưng, đây là dự án cảng hàng không mới, nên theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nên việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua.

"ACV làm sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến của mình và khẳng định, đơn vị này có đủ năng lực tài chính khi đã cân đối được 37% vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1.

Tuy nhiên, đề xuất này khiến Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn. Theo ông Thanh, việc giao ACV đầu tư các hạng mục chính sẽ là “chỉ định thầu”, trong khi theo Luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu.

“Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội cái này hay không?”, ông Thanh nói và đặt một loạt vấn đề, hiện ACV cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không? Chúng ta giao cho ACV giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Hoàng Hải

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật lưu ý, từ trước tới nay, Quốc hội chưa chỉ định thầu cho doanh nghiệp nào cả và đề nghị Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu thôi, chứ không xin Quốc hội chỉ định cụ thể một đơn vị nào.

Ông Giang cũng đề nghị trước khi trình Quốc hội quyết việc chỉ định thầu thì cần làm rõ việc này có tác động thế nào tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng như sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.

Tăng diện tích giai đoạn 1 lên 1.810ha đất?

Kiến nghị khác của Chính phủ là điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165ha lên 1.810ha; điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.

Theo Chính phủ, tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích đất để đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165ha. Quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810ha.

Phần diện tích đất tăng thêm này là để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như: Kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước...

Đơn vị tư vấn cũng đề nghị bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (theo cấu hình đóng) và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh này trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo tờ trình của Chính phủ, nếu không san lấp mặt bằng trước, khi triển khai xây dựng đường cất hạ cánh này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác dự án giai đoạn 1 vì không có đường vào để thi công.

“Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho dự án CHKQT Long Thành (5.000ha) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94/2014/QH13”, Chính phủ nêu.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Hải

 

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, nhu cầu sử dụng đất cụ thể của các hạng mục sẽ được chuẩn xác trong bước tiếp theo, sau khi có kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai theo hướng tăng diện tích đất sử dụng cho các công trình dịch vụ nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Trường Giang nêu rõ, trong Luật Đất đai 2013 không có quy định về “đất dùng chung”. Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ việc sử dụng chung đất quốc phòng và dân dụng dựa trên căn cứ nào, việc quản lý sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, bà Mai Thị Ánh Tuyết (Đại biểu Quốc hội đoàn An Giang) thì thấy “rất lo lắng” với khâu giải phóng mặt bằng, nhất là quy mô giai đoạn 1 mở rộng lên hơn 1.800ha đất

“Tái định cư, rồi giá đền bù cho dân nhiêu khê lắm trong khi dự tính cuối năm 2020 đã phải bàn giao mặt bằng”, bà Tuyết nói và bày tỏ, “tôi chưa yên tâm với vấn đề này”. Theo bà, tỉnh Đồng Nai cần có phương án cụ thể và nếu không đạt được tiến độ thì phải làm thế nào.

Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội đoàn An Giang, giao thông kết nối 2 tuyến bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1 cũng phải cân đối quỹ đất, nguồn lực. Bà Tuyết nhấn mạnh, để dự án khả thi cần rất sát sao, có phương án chứ không thể nói suông, nói suông với dân thì không được.

Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước): Giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.


Hương Giang