Biểu hiện… “nhờn thuốc”

Theo báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Y tế, Trường Đại học (ĐH) Y Dược phát hiện 132 SV tại lớp 10D, 11D, 13D có hành vi khai man thâm niên, đơn vị công tác, sử dụng bằng giả, bảng điểm giả để đủ điều kiện, tiêu chuẩn trúng tuyển lớp liên thông từ trung cấp lên ĐH.

Hình thức kỷ luật là đình chỉ học tập 1 năm đối 130 SV, riêng 2 SV không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp của cơ sở đào tạo (sử dụng bằng giả- PV), chờ cơ quan công an xác minh, xử lý sau.

Với cách xử lý như trên chẳng khác nào ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên nghiễm nhiêm “hợp thức hóa” cho hành vi gian dối, giả mạo giấy tờ của SV để đủ… “tiêu chuẩn” trúng tuyển.

Dư luận đặt dấu hỏi, với tấm bằng “hợp pháp” được cấp xuất phát từ hành vi gian dối, các SV trên có đáp ứng các phẩm chất, đạo đức và sự ứng xử chuẩn mực cần thiết của cán bộ công tác trong ngành Y khi mà vấn đề y đức vốn đang được đặt lên hàng đầu hiện nay?

Việc liên tiếp “xé rào” quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và các quy định pháp luật có phải là biểu hiện “nhờn thuốc” của Trường ĐH Y Dược? Cần nhắc lại rằng, Bộ GD&ĐT từng thanh tra việc liên kết đào tạo, chỉ rõ nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý nghiêm nhưng đơn vị không nghiêm túc thực hiện.

Trước đó, trả lời về vụ việc SV khai man, giả mạo giấy tờ tại ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, việc SV không làm việc tại cơ sở y tế nhưng lại tìm cách có xác nhận để đủ điều kiện dự thi là vi phạm và phải chịu trách nhiệm về việc này. Đây là hành vi gian lận. Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT không chấp chận hành vi gian lận như vụ việc vừa qua và yêu cầu nhà trường xử lý nghiêm, đúng quy định.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm của Hiệu trưởng ĐH Y Dược

Tại Kết luận thanh tra số 20/KL-TTr, Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị ĐH Thái Nguyên tăng cường thanh tra, kiểm tra rà soát toàn bộ hoạt động tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo các ngành Y, Dược của trường ĐH Y Dược; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Hiệu trưởng, cán bộ của Trường ĐH Y Dược, tổ chức và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền; rà soát xử lý trường hợp thí sinh vi phạm quy chế đào tạo liên thông tương tự. Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận này chỉ mang tính hình thức.

Đào tạo nhân lực y tế là loại hình đặc biệt, người cán bộ không chỉ có chuyên môn giỏi mà cần có phẩm chất và ứng xử chuẩn mực. Điều này đòi hỏi không chỉ đối với việc nâng cao chất lượng quá trình đào tạo mà còn cả việc đánh giá, đảm bảo các tiêu chí đầu vào, đầu ra và sử dụng.

“Nhà trường bị… lừa”

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược cho biết, đối với 22 thí sinh lớp 10D khai man thâm niên, sử dụng bằng giả, bảng điểm giả do Công an TP Hải Phòng yêu cầu xử lý nhưng nhà trường vẫn đồng ý cho thi tốt nghiệp là do chưa phải là chuyện… “cháy nhà chết người”. Nhà trường đã xin ý kiến và được ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên nói “cứ cho thi rồi cấp bằng sau”. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GD&ĐT không đồng ý nên dừng.

Khi được hỏi về trách nhiệm của nhà trường khi để lọt 132 trường hợp gian dối, giả mạo giấy tờ khi tuyển sinh, ông Sơn cho rằng, ĐH Y Dược “bị lừa” và coi đây như một  “tai nạn”, cần rút kinh nghiệm trong tuyển sinh và liên kết đào tạo. Sau khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, nhà trường đã bổ sung nhiều loại giấy tờ để đảm bảo chặt chẽ trong khâu tuyển sinh và đào tạo liên kết.

Bên cạnh đó, không nhắc đến việc áp dụng các quy định của pháp luật khi đưa ra hình thức kỷ luật đối với 132 SV trên mà ông Sơn cho biết, nhà trường áp dụng theo thông báo của Bộ GD&ĐT.

Còn về việc không nghiêm túc thực Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT là do Bộ không có hồi âm khi mà nhà trường đã gửi nhiều văn bản giải trình về các nội dung trong kết luận, ông Sơn khẳng định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những ngày tới.

Phạm Duy - Nam Dũng