;Theo đó, tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, việc thực hiện trình tự, thủ tục liên quan đến việc tổ chức kiểm điểm và quyết định hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Trung Hà, Trưởng phòng Quản lý Di sản thuộc Sở VHTT; báo cáo và đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Thời gian trước ngày 25/8/2017".

Trước đó, tháng 1/2017, Báo Thanh tra có loạt bài phản ánh về việc ông Nguyễn Trung Hà, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Quảng Ninh sao chép gần như toàn bộ kết quả công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Sở này để làm luận văn thạc sỹ và xuất bản sách. Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đã có Quyết định số 171/QĐ-ĐHSPNTTW ngày 10/2/2017 thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp thạc sỹ của ông Nguyễn Trung Hà; đồng thời có Công văn số 181/ĐHSPNTTW-SĐH trả lời Báo Thanh tra, khẳng định nội dung Báo nêu là đúng sự thật. Dư luận rất đồng tình ủng hộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ông Hà Quang Long, Giám đốc - Bí thư Đảng ủy Sở VHTT lại cho rằng ông Hà “rất giỏi chuyên môn, cần gạn đục khơi trong để giữ người tài. Việc đạo văn làm luận văn thạc sỹ và xuất bản sách của ông Hà không nhằm mục đích trục lợi cá nhân…"; tiến hành kiểm điểm đảng viên, công chức Nguyễn Trung Hà theo quy trình "ngược"; "chống lệnh" UBND tỉnh theo yêu cầu chỉ đạo tại Công văn số 724/UBND-TH ngày 9/2/2017...  Việc làm của ông Long đã gây nhiều bức xúc, khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng tỉnh Quảng Ninh hết người đủ đức, đủ tài để đảm nhiệm vào vị trí đó? 

Xin lưu ý, hiện tại Sở VHTT Quảng Ninh mới xem xét, xử lý ông Hà trong việc "đạo văn" làm luận văn thạc sĩ, còn việc "đạo văn" để xuất bản sách thì vẫn còn bỏ ngỏ. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Long chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ nghỉ hưu, có lẽ vì thế mà ông "phớt lờ" sự chỉ đạo của tỉnh và dư luận xã hội?

Chúng ta còn nhớ, năm 2016, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã kiên quyết xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ của Đảng ta, là bài học cảnh báo cho những cán bộ có sai phạm khi còn tại chức hay đã nghỉ hưu. Không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là "hạ cánh an toàn".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày trước Quốc hội rằng, về xử lý sai phạm đối với những người đang công tác và nghỉ hưu có sai phạm, chúng ta sẽ có hình thức xử lý, chứ không phải là sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn. Nguyên tắc đó để cảnh báo các đồng chí còn đang tại chức là khi chúng ta thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thì phải làm hết trách nhiệm.

Còn, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, xử lý kỷ luật không có vùng cấm, không phân biệt đương chức hay về hưu. Công tác xử lý cán bộ vi phạm phải thật khách quan, công khai. Khi xử lý cán bộ đương chức hay đã về hưu, cơ quan thẩm quyền cần phải có kết luận cuối cùng, công khai để mọi người biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta thấy về hưu rồi cũng không xong. Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu ban hành nghị quyết xem xét kỉ luật. Nghỉ hưu rồi mà có vi phạm vẫn tiếp tục xử, mức độ hành chính thì xử lý hành chính, còn đến mức hình sự thì truy tố. Chức mất rồi vẫn phải xử, chứ không thôi là hạ cánh an toàn, hạ cánh mềm".

Thiết nghĩ, trước tinh thần cả nước đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Quảng Ninh đang quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện chủ đề công tác năm 2017: "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh" thì tỉnh cũng cần quyết liệt hơn nữa trong việc “gạn đục khơi trong” đối với đội ngũ công bộc của dân để thực sự thực hiện đúng tinh thần của Đảng, của Bác, của tỉnh, chứ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tại vùng đất mỏ đầy truyền thống cách mạng này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Trà Vân