Ngày 13/11/2023, TAND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Thông báo số 133/TB-TLVA về việc thụ lý vụ án sơ thẩm, gửi Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) quận Hoàn Kiếm.

Nguyên đơn là bà Lê Thị Chúc, sinh năm 1951, địa chỉ tại thôn Lũng Gì, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Người đại diện theo ủy quyền, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, sinh năm 1972, địa chỉ tại số 167 Nguyễn Phúc Nguyên, phường 10, quận 3, TP HCM.

Bị đơn là ông Nguyễn Trọng Hiếu, sinh ngày 13/8/1973 và bà Nông Hải Vân, sinh ngày 27/11/1973, hộ khẩu thường trú tại số 5 - BT1 - Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; địa chỉ hiện tại: Số 70 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Những nội dung nguyên đơn yêu cầu TAND quận Hoàn Kiếm giải quyết: Buộc ông Nguyễn Trọng Hiếu và bà Nông Hải Vân phải phá dỡ hàng rào, cổng sắt vị trí 2 - 16 - 15 khu vực tiếp giáp sân gạch và lối đi chung (theo sơ đồ kỹ thuật thửa đất ban hành kèm theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 21/9/2022 của TAND TP Hà Nội số 0188/2022/HSKTTĐ). Trả lại hiện trạng ban đầu diện tích đất lối đi sử dụng chung, ranh giới tiếp giáp giữa số 68 và 70 Thợ Nhuộm (đang bị nhà hàng Tự Do rào lại chiếm sử dụng riêng).

Không được tiến hành sửa chữa, cơi nới, xây dựng, kinh doanh trái phép trên diện tích đất ngõ đi chung này.

leftcenterrightdel
 Thông báo số 113/2021/TLST-HC về việc thụ lý vụ án ngày 4/11/2021 của TAND TP Hà Nội. Ảnh: TQ

Ngoài đơn khởi kiện, nguyên đơn bà Lê Thị Chúc đã cung cấp cho TAND quận Hoàn Kiếm các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc này.

Căn cứ Điều 196 Bộ luật Tố tụng Dân sự, TAND quận Hoàn Kiếm thông báo cho Viện KSND quận Hoàn Kiếm và các đương sự biết.

TAND quận Hoàn Kiếm yêu cầu, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn phải gửi cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có). Trường hợp cần gia hạn thì phải có đơn xin gia hạn gửi tòa án và nêu rõ lý do để tòa án xem xét.

“Hết thời hạn này mà người được thông báo không có ý kiến đối với các yêu cầu của người khởi kiện, thì tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật” - thông báo nêu.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/11/2021, TAND TP Hà Nội đã có Thông báo số 113/2021/TLST-HC về việc thụ lý vụ án gửi UBND quận Hoàn Kiếm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người khởi kiện là bà Lê Thị Chúc, sinh năm 1951, tại thôn Lũng Gì, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ chức bị kiện là UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Những nội dung người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết gồm: Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BG523836 ngày 28/5/2013 của UBND quận Hoàn Kiếm cấp cho ông Nguyễn Bá Thành; yêu cầu hủy GCNQSDĐ số BG523835 ngày 28/5/2013 của UBND quận Hoàn Kiếm cấp cho bà Nguyễn Thị Liệu; yêu cầu hủy GCNQSDĐ số BG523841 ngày 5/3/2013 của UBND quận Hoàn Kiếm cấp cho bà Nguyễn Vân Anh.

Vụ án được TAND TP Hà Nội thụ lý từ tháng 11/2021, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa ra xét xử.

leftcenterrightdel
 Căn biệt thự nhóm III tại 70 Thợ Nhuộm được chủ sở hữu tự phá dỡ khi chưa được phép của UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TQ

Bà Lê Thị Chúc đứng tên căn nhà thuộc khu biệt thự cổ cấp III, tại số 70 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Căn nhà này được con gái ruột là Nguyễn Thị Diệu Thúy cho tặng.

Tại địa chỉ 70 Thợ Nhuộm là 1 căn biệt thự cấp III, trước đây có 11 hộ gia đình sinh sống.

Năm 2013, các gia đình ông Nguyễn Bá Thành; bà Nguyễn Thị Liệu; bà Nguyễn Vân Anh làm đơn xin mua nhà theo Nghị định 61/CP có cả diện tích ngoài hợp đồng. Điều đáng nói là trong hồ sơ xin mua nhà theo Nghị định 61/CP có cả diện tích ngoài hợp đồng của 3 hộ nói trên có chữ ký của bà Nguyễn Thị Diệu Thúy (hộ liền kề). Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy khẳng định không ký vào các hồ sơ nêu trên.

Bà Thúy đã có đơn tố giác gửi Công an quận Hoàn Kiếm về việc mạo chữ ký của bà và Công an quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc.

leftcenterrightdel
 Căn biệt thự nhóm III tại 70 Thợ Nhuộm được chủ sở hữu tự phá dỡ, sửa chữa khi chưa được phép của UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TQ

Hiện nay, 2 biệt thự tại 68 - 70 phố Thợ Nhuộm thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Trọng Hiếu và bà Nông Hải Vân (mua lại của các hộ dân sống tại đây, trừ căn hộ của bà Lê Thị Chúc), thuộc nhóm III tại Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP Hà Nội và thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế Quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP.

Việc bảo trì nhà biệt thự nhóm III được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng. Tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm III bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng (đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và biệt thự do các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng hoặc biệt thự đan xen sử dụng giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân), UBND quận (nếu biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, sau khi đã có ý kiến của Sở Xây dựng) kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.

Trước đây, ông Hiếu đã tự ý dỡ bỏ mái và một số bức tường và tự ý đổ dầm, xây tường, lợp mái, trát vữa để làm nhà hàng khi chưa được phép của UBND TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Căn biệt thự nhóm III tại 70 Thợ Nhuộm trở thành nhà hàng sang trọng. Ảnh: TQ

Điều đáng nói là việc tự ý phá dỡ và tự ý tu sửa lại 2 căn biệt thự này diễn ra trong một quá trình rất dài, song các cơ quan chức năng như không hề hay biết, mặc dù báo chí đã nhiều lần phản ánh, mà chỉ xử lý một số công trình xây dựng mới trong khuôn viên 2 biệt thự này?

Đến bao giờ hai vụ án này mới được TAND TP Hà Nội và TAND quận Hoàn Kiếm đưa ra xét xử?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.

Trần Quý