Trong việc quản lý, sử dụng tài sản và vốn tại Vinasport, từ năm 2007 đến tháng 12/2017, Vinasport thành lập nhiều bộ phận trực thuộc và giao cho giám đốc các bộ phận tự quản lý, được mở tài khoản riêng, tự viết hóa đơn bán hàng. Công ty có các bộ phận trực thuộc như: Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao; Xí nghiệp Kinh doanh; Xí nghiệp Xây dựng; Trung tâm Xuất nhập khẩu; Phòng Quản lý dự án. Từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021) công ty không còn các đơn vị trực thuộc. 

Số liệu kế toán không thể kiểm chứng

Kiểm tra hồ sơ về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinasport từ năm 2007 đến tháng 6/2021 cho thấy, từ năm 2007 đến 2015 hoạt động kinh doanh có lãi; từ năm 2016 đến 2019 hoạt động kinh doanh lỗ. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế là hơn 1,59 tỷ đồng và đến 30/6/2021 lợi nhuận sau thuế là 457,4 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu đến thời điểm 30/6/2021 là hơn 5,944 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc bàn giao hồ sơ, chứng từ, giải trình số liệu của Phòng Kế toán từ người quản lý cũ cho người kế nhiệm không được thực hiện. Sổ kế toán chi tiết các năm từ 2007 đến 2017 không đầy đủ.

Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của các năm vì không thể thu nhập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán do không xác định được tính chính xác số dư đầu kỳ từ 1/1/2017; không có đủ hồ sơ kế toán liên quan đến số dư của một số khoản mục; không có cơ sở đối chiếu và đánh giá khả năng thu hồi công nợ và nhiều vấn đề khác. 

Tự ý huy động vốn gây kiện cáo, tranh chấp 

Ngày 9/7/2008, Vinasport ban hành Quyết định số 136/QĐ-CTCPTT về việc giao khoán các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tại Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao. Căn cứ quyết định nêu trên, ông Trần Văn Chương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinasport kiêm phụ trách Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao đã trực tiếp tổ chức huy động vốn để sản xuất kinh doanh. 

Ngày 26/4/2010, Vinasport ban hành Quyết định số 11/QĐ-CTCPTT về việc hủy Quyết định số 136/QĐ-CTCPTT kể từ ngày 26/4/2010. Tại Điều 2 của quyết định có nêu: Ông Trần Văn Chương có trách nhiệm làm việc với Phòng Kế toán - Tài vụ để kê khai làm thủ tục thanh quyết toán các khoản đã tự ý huy động vốn hoặc đã đầu tư vào xí nghiệp khi nhận quyết định giao khoán. 

Giai đoạn 2008 - 2010, Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao hạch toán độc lập, có Giám đốc, Kế toán trưởng, con dấu và tài khoản riêng. Khi bộ phận kế toán xí nghiệp sáp nhập về kế toán công ty thì chỉ bàn giao tài liệu, chứng từ kế toán phát sinh từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2010, còn các tài liệu, hồ sơ, chứng từ kế toán trước đó không được bàn giao và được ông Chương niêm phong, lưu giữ. Vinasport không còn bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc huy động vốn nêu trên. 

Do có tranh chấp 7 hợp đồng vay tiền giai đoạn từ 29/2/2008 đến 30/11/2009 (do ông Chương huy động), bà Nguyễn Song Hạnh đã khởi kiện Vinasport. Ngày 30/11/2018, TAND quận Đống Đa xét xử và có Bản án số 39/2018/DS-ST về việc tranh chấp vay tài sản. Ngày 11/12/2018, Vinasport có Đơn kháng cáo gửi TAND quận Đống Đa kháng cáo toàn bộ nội dung của Bản án dân sự sơ thẩm số 39/2018/DS-ST. Ngày 25/4/2019, TAND thành phố Hà Nội xét xử và có Bản án số 99/2019/DS-TP (có hiệu lực pháp luật) về việc tranh chấp “hợp đồng vay tài sản” giữa gia đình nhà bà Nguyễn Song Thu Hà với Vinasport. Theo bản án, Vinasport phải trả khoản tiền là hơn 13,253 tỷ đồng (tiền gốc và lãi là hơn 13,132 tỷ đồng, án phí là hơn 121 triệu đồng). Hiện nay, Chi cục Thi hành án quận Đống Đa đã phong tỏa tài khoản mở tại ngân hàng để thực hiện thi hành bản án nêu trên. Tổng số tiền đã bị cưỡng chế là 568 triệu đồng.

Như vậy, việc huy động vốn của các cá nhân 5,64 tỷ đồng mà không xin ý kiến của Hội đồng Quản trị là vi phạm vào Điều lệ và Quy chế Quản lý tài chính của công ty. Việc không có các hồ sơ lưu trữ tại Vinasport là vi phạm vào các qui định của Luật Kế toán ngày 17/6/2003, kết luận thanh tra nêu. 

Ngày 19/1/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 03/2022/DS-GĐT theo đó tuyên hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 99/2019/DS-TP ngày 25/4/2019 của TAND thành phố Hà Nội và giao cho TAND thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Cơ quan thi hành án dù đã tạm dừng biện pháp thi hành án, nhưng đến thời điểm này, số tiền 568 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của Vinasport vẫn bị phong tỏa.

Xuất đạn trái pháp luật, gây thất thoát hơn 1,4 tỷ đồng

Đoàn thanh tra kiểm kê hàng hoá tồn kho và xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao Vĩnh Phúc, nhận thấy: Theo báo cáo của công ty và bản giải trình của ông Nguyễn Xuân Thắng, Thủ kho, từ năm 2009 đến 2012, ông Trịnh Quốc Toàn, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo ông Nguyễn Xuân Thắng, xuất đạn thể thao cho ông Kiều Hưng và Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao Vĩnh Phúc vay trước để tập luyện, thi đấu và sẽ hoàn trả sau khi được duyệt lượng đạn để phục vụ cho luyện tập. Tại báo cáo tài chính ngày 31/12/2020 xác định, chênh lệch giữa số lượng theo sổ sách và giá trị thực tế kiểm kê hàng hoá tồn kho (gồm 35.000 viên đạn Lapua Magazine Cal 22RL Đức, 46.350 viên đạn bắn đĩa bay luyện tập Fiocchi Trap&Skeet, 1.500 viên đạn thi đấu Eley EPS Cal.22LR, 1 khẩu súng trường hơi) thực tế thiếu so với số liệu đang hạch toán theo sổ sách kế toán là hơn 570 triệu đồng và số công nợ còn lại của ông Kiều Hưng trị giá hơn 853 triệu đồng không có khả thu hồi được.

Về nội dung này đoàn thanh tra đã gửi văn bản đối chiếu công nợ đến Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao Vĩnh Phúc đã xác nhận là không còn nợ Vinasport. 

Như vậy, việc xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao Vĩnh Phúc là cố ý làm trái các qui định của pháp luật được qui định tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011, xuất không không có hợp đồng và hiện nay không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền hơn 1,423 tỷ đồng cho Vinasport, kết luận thanh tra nêu rõ.

Theo thông tin do Vinasport cung cấp, đến thời điểm hiện tại, ông Kiều Hưng đã nộp tiền khắc phục được 528 triệu đồng và số tiền còn phải khắc phục là hơn 1 tỷ đồng.

Hàng chục tỷ đồng tạm ứng, công nợ khó có khả năng thu hồi

Ngoài ra, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu do Vinasport cung cấp tại thời điểm 30/6/2021, có các khoản tạm ứng cá nhân của 21 người với tổng số tiền hơn 2,979 tỷ đồng. Các khoản tạm ứng này phát sinh từ trước ngày 31/12/2017, trong đó, 14 cá nhân đã có giải trình về các khoản tạm ứng với số tiền 2,339 tỷ đồng; còn lại 7 cá nhân không đối chiếu được do không liên lạc được, đã đi nước ngoài, đã mất... với số tiền là hơn 640 triệu đồng. 

Theo báo cáo của Vinasport thì các cá nhân này đã tạm ứng nhưng tại thời điểm đó không tiến hành làm các thủ tục hoàn tạm ứng hoặc không có chứng từ để thanh quyết toán nên chưa tiến hành hoàn tạm ứng. Đến thời điểm thanh tra, việc có đủ chứng từ để hoàn tạm ứng các nội dung đã chi không thực hiện được. Vinasport đã yêu cầu các cá nhân này có bản giải trình về các nội dung tạm ứng nhưng đến nay các khoản công nợ tạm ứng này không thể thu hồi được. 

Theo hồ sơ, tài liệu do Vinasport cung cấp cho đoàn thanh tra, đến thời điểm 30/6/2021, có 87 khách hàng còn nợ Vinasport và không có khả năng thu hồi với tổng số tiền hơn 13,238 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Vinasport, các khoản công nợ phải thu; đặt tiền mua hàng; tạm ứng cho các đối tác; tạm ứng nhân viên từ các năm trước đến thời điểm 31/12/2017 vẫn treo trên sổ sách kế toán xác định là các khoản khó đòi. Toàn bộ hồ sơ của xí nghiệp xây dựng không có lưu tại Phòng Kế toán nên không có cơ sở bóc tách số liệu liên quan đến công nợ và các số liệu liên quan khác; Sổ chi tiết công nợ khách hàng không đầy đủ các năm liên tục. Chỉ theo dõi chi tiết của các khách hàng có hoạt động mua bán phát sinh thường xuyên, rất nhiều công nợ khách hàng chỉ có tên khách và số dư. Hóa đơn bán hàng liên xanh lưu không đầy đủ nên khó tập hợp số liệu các năm từ khi cổ phần hóa đến thời điểm thanh tra. 

Đối với các khoản công nợ thuộc Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ Thể dục thể thao do ông Trần Văn Chương phụ trách và chịu trách nhiệm gồm 38 khách hàng với tổng số tiền hơn 3,975 tỷ đồng. Sau khi xí nghiệp sáp nhập về Vinasport, Công ty đã tiến hành xác minh và thấy có 7 khách hàng báo cáo, xác nhận đã trả hết cho ông Trần Văn Chương hoặc không chấp nhận công nợ cho với tổng số tiền là 1,191 tỷ đồng. Vinasport yêu cầu ông Trần Văn Chương làm việc với Phòng Kế toán - Tài vụ để kê khai làm thủ tục thanh quyết toán các khoản ông Chương đã tự ý huy động vốn hoặc đã đầu tư vào xí nghiệp khi nhận quyết định giao khoán nhưng chưa có tài liệu nào thể hiện việc bàn giao và quyết toán giữa Vinasport và ông Trần Văn Chương. Hiện nay ông Chương không còn làm việc tại Vinasport.

Trách nhiệm đối với các khoản công nợ nêu trên thuộc về ông Trần Văn Chương - phụ trách Xí nghiệp và ông Bùi Duy Nghĩa - Tổng Giám đốc, người đại diện phần vốn Nhà nước, kết luận thanh tra nêu.

Hoàng Nam