Theo phản ánh của người dân về việc một hộ dân ở chòm 1, thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh tự ý xây hàng trăm mét kè bao quanh và lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất rừng sản xuất, ngoài ra hộ gia đình này còn xây dựng khoảng 100m kè lấn chiếm lòng Hồ Trằm.

Phóng viên đã có mặt tại khu vực Hồ Trằm thuộc chòm 1, thôn Thanh Sơn để tìm hiểu sự việc.

Tại khu vực đất rừng sản xuất có diện tích hàng nghìn mét vuông, phía trên tiếp giáp với rừng thông và phía dưới tiếp giáp với Hồ Trằm, hộ dân này đã tiến hành xây dựng hàng trăm mét tường rào bằng đá cuội cao khoảng 1m, có trụ và thép B40 bao quanh diện tích đất rừng trên. Phía tiếp giáp Hồ Trằm, hộ dân này xây dựng khoảng 100m kè bằng đá hộc màu xanh có trụ kiên cố, phần kè này được xây lấn xuống một diện tích khá lớn lòng Hồ Trằm. Được biết, Hồ Trằm là hồ thuỷ lợi chuyên cung cấp nước phục vụ sản xuất cho hàng chục hecta lúa do UBND xã Quảng Thanh quản lý.

Hộ gia đình xây tường rào bao quanh lấn chiếm đất rừng và xây kè trái phép bên cạnh Hồ Trằm là hộ gia đình ông Nguyễn Luận và bà Nguyễn Thị Tuệ có nhà sát ngay Hồ Trằm.

Theo người dân địa phương cho biết, hộ ông Luận, bà Tuệ tiến hành xây dựng tường rào bao quanh để chiếm đất rừng vào khoảng đầu năm 2023, mục đích là để làm khu du lịch sinh thái.

Đến khoảng tháng 9/2023 thì bị chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, hộ ông Luận, bà Tuệ chỉ dùng máy đào cào đất lấp đi một phần kè xây lấn chiếm Hồ Trằm chứ không hề tháo dỡ. 

leftcenterrightdel
 Xây kè không phép tại Hồ Trằm. Ảnh: Lê Hữu Chính

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25/9/2023, UBND xã Quảng Thanh đã tiến hành lập biên bản đình chỉ và tháo dỡ. Nội dung biên bản này ghi rõ: “UBND xã nhận được phản ánh của quần chúng Nhân dân về việc xây dựng kè chống sạt lở đất của ông Nguyễn Luận tiếp giáp Hồ Trằm thuộc UBND xã quản lý khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Kiểm tra hiện trường, ông Luận đã xây dựng như sau: Chiều dài kè 100m, chiều rộng kè 1m, trụ xây bằng đá hộc rộng 1m, chiều cao kè từ 0,6m đến 2m. Vật liệu xây dựng bằng đá hộc xanh và xi măng. Việc làm trên của ông Nguyễn Luận và bà Nguyễn Thị Tuệ đã vi phạm về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và quản lý hồ đập”. 

Như vậy, theo biên bản, UBND xã chỉ kiểm tra và phát hiện được phần kè xây dựng phía dưới khu vực đất rừng và giáp Hồ Trằm, còn lại hàng trăm mét tường rào được xây bằng đá cuội rất kiên cố và thẩm mỹ bao quanh hàng nghìn mét đất rừng thì UBND xã không hề nhắc tới.

Đến ngày 28/9/2023, UBND xã Quảng Thanh ra Thông báo số 43/TB-UBND yêu cầu hộ gia đình ông Nguyễn Luận và bà Nguyễn Thị Tuệ tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng kè, hoàn trả lại toàn bộ hiện trạng ban đầu diện tích rừng sản xuất và diện tích Hồ Trằm do UBND xã quản lý khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. 

Thông báo ghi rõ, thời gian thực hiện tháo dỡ công trình từ ngày 28/9/2023 đến hết ngày 10/10/2023. Sau thời gian trên, UBND xã sẽ kiểm tra việc tháo dỡ công trình kè của hộ gia đình ông Nguyễn Luận. Nếu gia đình không chấp hành thì UBND xã sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh bờ kè và hàng rào không phép. Ảnh: Lê Hữu Chính 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại là gần 1 năm sau khi UBND xã Quảng Thanh tiến hành lập biên bản và ra thông báo yêu cầu tháo dỡ, thì hiện trạng xây dựng trái phép khu vực nói trên vẫn không hề thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cho địa chính tiếp tục lập hồ sơ để xử lý theo quy định”.

Ông Bình cho biết thêm, phần đất đó chưa cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận cho cá nhân, hộ gia đình nào, nhưng trước đây thôn, chòm họ giao cho các hộ để trồng cây. Xã sẽ giao địa chính tham mưu xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Lê Hữu Chính