Chứng cứ có đáng tin cậy?

Bà D. có hộ khẩu thường trú tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12 (TP HCM) trình bày: ngày 1/8/2018, bà và chồng cũ là N.V.H. ly hôn theo Quyết định thuận tình ly hôn số 907/2018/QĐHNGĐ - ST.

Theo quyết định này của TAND quận 12, bà D. được quyền trực tiếp nuôi dưỡng 2 người con (SN 2009 và SN 2012), ông H. có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho 2 con.

Tuy nhiên, ngày 2/10/2020, TAND quận Tân Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” theo đơn khởi kiện của ông H. Theo bản án sơ thẩm, quyền trực tiếp nuôi con thuộc về ông H.

Bà D. nghi ngờ, trong phiên tòa sơ thẩm, chứng cứ đưa ra có dấu hiệu bị làm giả, cụ thể:

Bà D. cho rằng, TAND quận Tân Bình dựa vào tờ “Biên bản thỏa thuận” photocopy, ngày 28/9/2019, để cho rằng bà và ông H. đã thỏa thuận chuyển giao việc nuôi con là không khách quan. Bà D. nêu rõ, theo điểm d Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015, việc xác minh, thu thập chứng cứ thì: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng biện pháp "Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý”.

“Theo quy định trên, tôi đã yêu cầu tòa buộc ông H. cung cấp bản chính, nhưng ông H. không cung cấp được, trong khi vẫn được thư ký xác nhận “đã đối chiếu đúng bản chính”, bà D. nhấn mạnh.

Bà D. khẳng định, chưa bao giờ thỏa thuận với nội dung giao lại quyền nuôi cho chồng cũ. Và chữ ký có thể bị cắt dán hoặc nhái chữ ký.

Bà D. cũng cho biết, nếu giả sử có thỏa thuận như vậy vào ngày 28/9/2019, thì thỏa thuận này cũng không có giá trị pháp lý mang tính quyết định. Vì tại thời điểm đó bà có thể đồng ý, còn hiện tại không đồng ý, và vấn đề này phù hợp với quy định pháp luật theo Khoản 1, 2, 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Bên cạnh đó bà D. cũng cho rằng, TAND quận Tân Bình thụ lý đơn khởi kiện của ông H. là không đúng thẩm quyền, vì bà là bị đơn đang đăng ký tạm trú (KT3) tại quận 12. “Tôi không đăng ký thường trú hay tạm trú tại quận Tân Bình nhưng không hiểu vì lý do gì mà TAND quận Tân Bình vẫn thụ lý và giải quyết”, bà H. bức xúc nói.

leftcenterrightdel
 Đơn của bà D. gửi các cơ quan chức năng và Báo Thanh tra. Ảnh: NL

Bà D. cho rằng, theo điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS và Điều 12 Luật Cư trú thì tòa án có thẩm quyền giải quyết phải là TAND quận 12,  vì vậy, TAND quận Tân Bình thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền.

Không chấp nhận với Bản án của TAND quận Tân Bình, bà D. đã kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 835/2020/HNGĐ-ST ngày 2/10/2020.

Tòa phúc thẩm sẽ làm rõ

Trao đổi với Báo Thanh tra về việc có hay không TAND quận Tân Bình sử dụng chứng cứ giả và tòa phúc thẩm có xác minh làm rõ? Trả lời câu hỏi này, Thẩm phán Q.T.B. (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm) cho biết, tất cả đã có trong hồ sơ vụ án, và cũng vì để làm rõ vấn đề này nên mới có phiên tòa phúc thẩm.

Luật sư Trần Văn Trí -  Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, chứng cứ (biên bản thỏa thuận) có dấu hiệu giả mạo rất rõ nét, cần phải làm rõ, vì theo Khoản 1 Điều 95 Bộ Luật TTDS 2015 quy định: “Tài liệu đọc được nội dung, được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Bên cạnh đó ông H. cũng không đưa ra được bản chính, và bà D. lại khẳng định không ký vào bản thỏa thuận.

Trong đơn bà D. đề nghị, xác minh làm rõ video ghi nhận nội dung các con muốn ở với bố, do ông H. nộp cho tòa sơ thẩm. “Trong khi tôi đã cung cấp chứng cứ của thừa phát lại đến lập vi bằng, về việc hỏi ý kiến của các con, thì lại không được Thẩm phán U. công nhận”, bà D. bức xúc nói.

Bà D. cho rằng, ông H. công việc phải đi nhiều, nên điều kiện sẽ không tốt cho sự phát triển của con, có ít thời gian được gần gũi chăm sóc con. Bà cũng yêu cầu tòa phúc thẩm xác minh, làm rõ tính chân thực những thông tin cá nhân mà ông H. đã gửi cho tòa.

Bên cạnh đó, bà D. cũng yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét tình hình thực tế, vì suốt thời gian hôn nhân cũng như sau khi ly hôn, hai con vẫn ở với bà và các cháu đều phát triển tốt về mọi mặt.

Bà D. cho biết, bà và ông H. kết hôn 2008 đến tháng 8/2018 hai người thuận tình ly hôn. Và từ 8/2018 đến nay ông H. cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng cho hai con theo quyết định của TAND quận 12.

Theo bà D. hiện tại bà đang làm giám đốc cho một công ty và có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng và cũng có nhiều nguồn thu khác để đảm bảo 2 con được học trường quốc tế.

Bà D. cho biết, luôn sắp xếp công việc để có thời gian chăm sóc con, chơi với con và đồng hành cùng con học tập. Bên cạnh đó, bà D. còn có bố, mẹ đã nghỉ hưu và các em đang học đại học sẵn sàng hỗ trợ trong việc chăm sóc con.

Được biết, ngày 31/3/2021, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bà D. nhưng ông H. vắng mặt không có lý do (tòa xác định), bà D. vắng mặt vì lý do sức khỏe (tòa đã xác minh).

Luật sư Trần Văn Trí -  Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thay đổi quyền nuôi con được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể: cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Theo các quy định này thì người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con phải chứng minh được trước tòa án: Bản thân sẽ cung cấp môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của con; có đủ các điều kiện đảm bảo cả về kinh tế lẫn tinh thần đáp ứng cho yêu cầu phát triển bình thường của người con;

Người được nuôi con phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định… về tinh thần (có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…) để người con có cuộc sống ổn định và phát triển hơn bên không được nuôi con.

Người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp trông nom; chăm sóc; nuôi dạy con cái; thường xuyên có hành vi bạo lực; thu nhập không ổn định…


Nghiêm Lan