Hợp đồng cũ chưa hết hiệu lực vẫn bắt thanh lý, ký hợp đồng mới

Công văn của Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND quận 5 và Ban Quản lý TTTMDV An Đông áp dụng thời hạn sử dụng điểm kinh doanh ở chợ An Đông là 10 năm. Ngoài ra, UBND TP không yêu cầu hủy hợp đồng cũ còn hiệu lực, để ký hợp đồng mới. Thế nhưng, giữa năm 2019, Ban Quản lý TTTMDV An Đông tự ý đề nghị các tiểu thương thanh lý hợp đồng cũ để ký hợp đồng mới, thời hạn từ ngày 1/1/2019 - 30/12/2028, mặc dù hợp đồng cũ còn thời hạn đến 31/12/ 2021.

Tiểu thương cho rằng, Ban Quản lý yêu cầu tiểu thương ký hợp đồng mới thời hạn đến năm 2028 thì chẳng khác nào thời hạn hợp đồng chỉ có 8 năm, bởi hợp đồng cũ còn 2 năm nữa mới hết hiệu lực.

Được biết, sau khi khánh thành chợ mới An Đông, năm 1991, Công ty Tư doanh Việt Hoa ký hợp đồng cho sang nhượng quầy, sạp chợ An Đông với tiểu thương góp vốn, thời hạn là 20 năm, nghĩa là từ năm 1991 đến 2011.

Năm 2013, Ban Quản lý TTMDV An Đông thay vì ký hợp đồng cho sang nhượng quầy sạp, lại chuyển sang ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh, thời hạn 10 năm (từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2021) với tổng số tiền thu của các tiểu thương là 217 tỷ đồng. Việc này khiến nhiều tiểu thương không đồng ý và xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng này.

Mặc dù hợp đồng thuê điểm kinh doanh đang còn hiệu lực nhưng ngày 7/6/2019, Ban Quản lý TTTMDV An Đông gửi thư mời kèm 3 bản dự thảo: Biên bản thanh lý hợp đồng; biên bản thỏa thuận về thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng và dự thảo hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh.

Sau khi nhận được các bản dự thảo, các tiểu thương phản đối gay gắt bởi họ cho rằng, nhiều điểm trong bản bản dự thảo hợp đồng bất hợp lý, thiếu tính khách quan, thiếu cơ sở pháp lý, nó có lợi cho ban quản lý nhưng bất lợi với các tiểu thương.

leftcenterrightdel
Các tiểu thương cho rằng bản dự thảo thanh lý hợp đồng thể hiện tính áp đặt, có lợi cho ban quản lý nhưng bất lợi cho tiểu thương. Ảnh: Ngân Nga 

Khoản 1 Điều 1 Dự thảo biên bản thanh lý hợp đồng có nội dung: Hai bên thống nhất thanh lý trước thời hạn của hợp đồng để tiếp tục xác lập hợp đồng mới.

Thế nhưng, Ban Quản lý TTTMDV An Đông không đưa ra nguyên nhân buộc các tiểu thương phải thanh lý hợp đồng trước hạn.

Khoản 1 Điều 2: Hai bên thống nhất rằng không có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh đến hợp đồng cho đến ngày ký biên bản thanh lý hợp đồng này.

Khoản 2 Điều 2: Biên bản thanh lý hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Các bên không có bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào liên quan đến hợp đồng và cam kết không khiếu nại gì đối với hợp đồng sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng.

Theo các tiểu thương, Ban Quản lý TTTMDV An Đông đưa ra những điều kiện mang tính áp đặt, không thực tế. Bởi việc khiếu kiện giữa Ban Quản lý TTTMDV An Đông và các tiểu thương đã kéo dài nhiều năm trước đó. Từ hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh, đến số tiền 217 tỷ đồng và dấu hiệu lạm thu các loại phí dịch vụ… đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Đối với văn bản dự thảo biên bản thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng, bản dự thảo sử dụng cụm từ Bên A (bên quản lý điểm kinh doanh) và Bên B (sử dụng điểm kinh doanh). Các tiểu thương cho rằng, căn cứ lịch sử hình thành và phát triển chợ An Đông, cũng như tham khảo hợp đồng của một số chợ hạng I khác trên địa bàn TP, đề nghị được đổi tên gọi từ hợp đồng “sử dụng điểm kinh doanh” thành hợp đồng “quyền sử dụng quầy, sạp chợ An Đông”.

Ngoài ra, thời gian hợp đồng phải được tính từ 2021 - 2031.

“Chúng tôi phản đối bởi vì ban quản lý bỗng dưng bắt các tiểu thương thanh lý khi hợp đồng còn hiệu lực. Hơn nữa, thời hạn hợp đồng mới nếu tính đúng chỉ còn 8 năm. Theo đúng trình tự tái thủ tục hợp đồng thì hợp đồng mới phải có thời hạn bắt đầu từ cuối 2021 đến cuối 2031, đúng 10 năm như tinh thần chỉ đạo của chủ tịch UBND TP”.

“Từ trước đến nay chúng tôi luôn bức xúc với UBND quận 5 và Ban Quản lý TTTMDV An Đông, bởi cách làm của họ luôn áp đặt, có tư tưởng thống trị, thiếu công bằng, thiếu tôn trọng với tiểu thương chúng tôi”, tiểu thương chia sẻ.

UBND quận 5 có trái thẩm quyền về quản lý Nhà nước?

Điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ quy định: Chợ loại I là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại; được đặt ở vị trí trung tâm kinh tế thương mại của tỉnh, thành phố; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ…

Chợ An Đông hiện có khoảng hơn 1.400 tiểu thương, được đầu tư xây dựng kiên cố, đặt tại vị trí trung tâm kinh tế thương mại của TP HCM. Như vậy, căn cứ quy định trên thì chợ An Đông là chợ loại I.

Tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 15 và Điều 11 của Nghị định 02/2003/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND tỉnh: Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của ban quản lý chợ loại I; quy định cụ thể việc sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Điều 11 nghị định này; quy định cụ thể nội quy chợ trên cơ sở nội quy mẫu do Bộ Thương mại ban hành và phê duyệt nội quy chợ loại I; quy định cụ thể việc xử lý vi phạm nội quy chợ loại I.

Trách nhiệm của UBND quận, huyện: Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của ban quản lý chợ loại 2, loại 3; phê duyệt nội quy chợ loại 2 và loại 3 (được quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 15 của nghị định này).

Theo tiến sĩ, luật sư Trần Đình Triển ( Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ Nghị định 02/2003/NĐ-CP thì chợ An Đông là chợ truyền thống loại I, không phải là trung tâm thương mại, nên việc quản lý chợ An Đông được giao cho Ban Quản lý TTTMDV An Đông là trái với Nghị định 02 nói trên.

Hơn nữa, TTTMDV An Đông được thành lập theo Quyết định 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP HCM, đến nay không còn phù hợp với Luật Thương mại, quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp hành chính có thu và Nghị định 02 nói trên của Chính phủ. Tuy nhiên, UBND quận 5 không trình UBND TP HCM để thành lập Ban Quản lý chợ An Đông theo quy định của pháp luật. Mặt khác, UBND quận 5 còn ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý TTTMDV An Đông là trái thẩm quyền về mặt quản lý Nhà nước.

leftcenterrightdel
Công văn của UBND quận 5 thể hiện chợ được đầu tư dưới hình thức tư nhân góp vốn thì được quyền sử dụng, khai thác, sang nhượng, kinh doanh quầy sạp. Ảnh: Ngân Nga 

Phải chăng UBND quận 5 đang cố tình áp dụng hình thức quản lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” vừa là chợ, vừa là trung tâm thương mại, để không bị ràng buộc bởi cơ sở pháp luật nào, khi đó mới dễ bề “trở tay”?

Liên quan đến vụ việc, ngày 9/11/2023, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lý TTTMDV An Đông liên hệ với phóng viên cho biết, đã cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu theo đề nghị của Báo Thanh tra.

Tuy nhiên, những thắc mắc về việc đấu giá quyền sử dụng diện tích ngoài chợ, bố trí quầy sạp ở hành lang thoát hiểm, an toàn phòng cháy chữa cháy, hay việc niêm phong quầy sạp có đúng quy trình hay không? Đến thời điểm này, ông Ngọc vẫn “lảng tránh” và không nhấc máy khi chúng tôi liên hệ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Ngân Nga