Niêm phong quầy sạp có dấu hiệu trái luật?

Những năm gần đây, tình trạng hạ tầng xuống cấp, cơ sở vật chất hư hỏng, thu chi tài chính 217 tỷ đồng và các loại phí dịch vụ trước đó có dấu hiệu bất minh cùng những mâu thuẫn với Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ (TTTMDV) An Đông liên quan đến hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh đã khiến nhiều tiểu thương bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Trước đó, bà Oanh và nhiều tiểu thương chợ An Đông làm đơn khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo Ban Quản lý TTTMDV An Đông về khoản thu, chi 217 tỷ đồng (2012 - 2016) và về các loại phí dịch vụ, về hợp đồng cho thuê quầy, sạp.

Đỉnh điểm của sự bức xúc là mới đây, quầy sạp đang kinh doanh bình thường của bà Sử Thị Ái Oanh bị Ban Quản lý TTTMDV An Đông niêm phong khi không có sự chứng kiến của lực lượng chức năng, của chủ sạp; không lập biên bản niêm phong; niêm phong sau giờ hành chính và trái thẩm quyền.

Theo bà Oanh, vì không đồng tình với một số điểm trong bản hợp đồng mới cũng như việc thu phí diện tích bán hàng có dấu hiệu lạm thu nên bà chưa đóng loại phí này.

Ngày 27/10/2023, bà Oanh nhận được điện thoại của Ban Quản lý TTTMDV An Đông yêu cầu đóng tất cả các loại phí. Bà đồng ý đóng phí nhưng trừ phí diện tích bán hàng.

Đến 16h cùng ngày, Ban Quản lý TTTMDV An Đông đã cúp điện sạp của bà.

Sáng ngày 28/10/2023, khi tới chợ mở sạp bán hàng như thường lệ bất ngờ phát hiện sạp hàng của mình đã bị Ban Quản lý niêm phong.

leftcenterrightdel
Quầy sạp của bà Sử Thị Ái Oanh bị ban quản lý niêm phong. Ảnh: Ngân Nga 

“Ban Quản lý TTTMDV An Đông yêu cầu chúng tôi đóng 5 loại phí mỗi tháng (tiền điện, tiền máy lạnh, tiền vệ sinh, tiền thu gom rác). Riêng phí sử dụng diện tích bán hàng tôi chưa đồng tình, bởi trước đây tôi đã đóng tiền thuê quầy sạp. Hiện, tôi đã khởi kiện ra tòa và đang chờ tòa án thụ lý, xét xử. Chưa biết ai đúng, ai sai, Ban Quản lý lấy thẩm quyền đâu để niêm phong quầy sạp của tôi?”, bà Oanh bức xúc.

Bà Oanh cho biết, đã kinh doanh ở chợ An Đông từ năm 1980 và ký hợp đồng từ năm 1991, tái ký năm 2013. Đến năm 2019, mặc dù chưa hết hợp đồng cũ nhưng Ban Quản lý TTTMDV An Đông yêu cầu thanh lý hợp đồng để ký hợp đồng mới, thời hạn từ 2019 - 2028. Theo các quy định hiện hành, An Đông là chợ truyền thống loại I chứ không phải trung tâm thương mại. Do đó, nếu ký "hợp đồng thuê sạp” là không đúng.

Ngoài ra, bà cũng như một số tiểu thương đề nghị, hợp đồng phải tái tục từ năm 2021 - 2031. Số tiền đã đóng phải được nối tiếp trong hợp đồng. Đồng thời, cần làm rõ phí sử dụng diện tích bán hàng là tiền gì trong khi các tiểu thương còn phải đóng tiền thuê quầy sạp.

Nguyên nhân mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý và các tiểu thương, khi thời hạn hợp đồng sang nhượng quầy sạp với Công ty Tư doanh Xây dựng Việt Hoa (thời hạn là 20 năm) kết thúc. Ban Quản lý TTMDV An Đông chuyển sang hình thức ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh giữa Ban Quản lý và tiểu thương. Thời hạn 10 năm (từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2021), với tổng số tiền thu của các tiểu thương là 217 tỷ đồng.

Năm 2017, do các tiểu thương phản đối quyết liệt về sự minh bạch thu, chi số tiền 217 tỷ nên UBND quận 5 ngừng thu.

Đến năm 2019, Ban Quản lý TTTMDV An Đông tiếp tục yêu cầu ký hợp đồng mới về việc sử dụng điểm kinh doanh quầy, sạp với những điều khoản mà các tiểu thương cho rằng gây bất lợi, không đảm bảo tính công bằng, minh bạch đối với hàng ngàn tiểu thương ở chợ An Đông.

Bà Oanh và một số tiểu thương đã khiếu kiện ra tòa án, yêu cầu giải quyết các nội dung: Được ký hợp đồng “quyền sử dụng quầy sạp”; thời hạn hợp đồng là từ năm 2021 đến 2031 (theo thông báo về quy định ký hợp đồng 10 năm dành cho tiểu thương các chợ truyền thống của UBND TP HCM); số tiền đã đóng phải được thể hiện nối tiếp trong bản hợp đồng mới…

Trong đơn gửi các cấp có thẩm quyền, tiểu thương chợ An Đông cho rằng, với số tiền lớn bỏ ra vào thời điểm năm 1991 lẽ ra họ phải được sử dụng các quầy sạp như những người chủ thực sự, không phải đóng thêm tiền khi ký hợp đồng mới. Việc Ban Quản lý sử dụng hợp đồng với cụm từ “cho thuê quầy sạp” khiến họ bị “mắc kẹt” không thể thế chấp, không thể chuyển nhượng.

Trong một diễn biến liên quan, tiểu thương thông tin, muốn thế chấp quầy sạp tại để vay vốn mở rộng kinh doanh nhưng bị các ngân hàng từ chối bởi cụm từ “cho thuê quầy sạp” do UBND quận 5 và Ban Quản lý chợ An Đông đặt ra.

“Điều đáng nói, hợp đồng này lại được thế chấp ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương và Quỹ Tín dụng Chợ Lớn với điều kiện, phải được sự xác nhận của Ban Quản lý TTTMDV An Đông và phải trích cho ban quản lý này 0,3% trên tổng số tiền vay”, một tiểu thương cho hay.

Luật sư Trần Khánh Ly - Giám đốc Công ty Luật Glaw  (TP HCM) nhận định: "Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng đã quy định rõ tại Nghị định 127/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, việc Ban Quản lý TTTMDV An Đông niêm phong quầy, sạp của bà Oanh có dấu hiệu không tuân thủ trình tự thủ tục và trái thẩm quyền. Bởi quầy, sạp đang tranh chấp, cả hai phía đã khởi kiện đến tòa án, đang chờ tòa thụ lý, xét xử và chưa có phán quyết cuối cùng".

Diện tích hành lang, lối thoát hiểm cũng cho thuê?

Theo phản ánh của các tiểu thương, Ban Quản lý TTTMDV An Đông cho thuê cả những diện tích tầng hầm, lối thoát hiểm, đường hành lang thực hiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Điều đáng nói, tất cả các lối đi dành cho xe ưu tiên phòng cháy chữa cháy bị bít kín bởi các bãi xe xung quanh chợ.

Tiểu thương cho rằng, việc cho thuê không đúng thiết kế quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng an toàn phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguy cơ cho tính mạng, tài sản của hàng ngàn người nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn hay các sự cố đáng tiếc khác.

leftcenterrightdel
Các tiểu thương cho rằng lối thoát hiểm chợ An Đông bị Ban Quản lý cho thuê khiến nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Ngân Nga 

Liên quan đến vụ việc, ngày 8/11/2023, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Văn phòng UBND quận 5 cho biết, việc khiếu nại giữa tiểu thương với Ban Quản lý TTTMDV An Đông kéo dài đã nhiều năm. Theo thẩm quyền, quận 5 đã trả lời đầy đủ tại thông cáo báo chí phát hành vào ngày 26/9/2019 và Công văn 2082/UBND-KT ngày 18/9/2020 của UBND quận 5.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, số tiền 217 tỷ đồng được thu của các tiểu thương trước đó đã sử dụng đúng mục đích, đã được kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp tài liệu kiểm toán độc lập và biên bản kiểm điểm trách nhiệm của Ban Quản lý TTTMDV An Đông thì ông Thành nói sẽ phản hồi sau.

Riêng các nội dung có hay không việc niêm phong quầy sạp trái thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục; một số diện tích chợ sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch và có hay không việc Ban Quản lý cho thuê diện tích các mặt tiền ngoài chợ không thông qua hình thức đấu giá? Chánh Văn phòng UBND quận 5 nói sẽ yêu cầu Trưởng Ban Quản lý TTTMDV An Đông trả lời!

Ngày 9/11/2023, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lý TTTMDV An Đông cho biết qua điện thoại, sẽ trả lời bằng văn bản và cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến nội dung Báo Thanh tra đề nghị. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được phản hồi liên quan đến việc đầu tư, quyết toán 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, mua sắm vật tư chợ An Đông do Phòng Kinh tế cung cấp.

Còn việc niêm phong quầy sạp, cho thuê hành lang, tầng hầm và các vấn đề về đấu giá diện tích mặt tiền chợ cho đến ngày 24/11/2023 chúng tôi chưa nhận được phản hồi của ông Đinh Hồ Duy Ngọc.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nghị định số 127/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như sau:

Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

Người tham gia niêm phong vật chứng gồm: người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); người bào chữa (nếu có).


Ngân Nga